Cần bộ quy tắc ứng xử trên mạng cho người trẻ
Cách đây khoảng 5 năm, khi mạng xã hội, thiết bị di động thông minh phổ biến, cư dân mạng trẻ tuổi lao vào hâm mộ những trường hợp tạo scandal bằng khoe thân trá hình.
Thời gian sau, những phát ngôn ngông nghênh trên mạng xã hội trở thành thế hệ thần tượng thứ 2 với những “thánh chửi”... Gần đây, mạng xã hội xuất hiện những đối tượng xã hội đen được một bộ phận giới trẻ coi là "thần tượng" như: Huấn hoa hồng, Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh.
Vừa qua, sau khi phiên tòa xét xử Khá Bảnh kết thúc, hình ảnh còn đọng lại trong dư luận là những bạn trẻ, trong đó có cả học sinh đứng vây quanh phiên tòa, vẫy tay chào “thần tượng giang hồ” vừa bị kết án 10 năm 8 tháng tù.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Đối với những hiện tượng như Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền là nhân vật thực của cuộc sống. Bạn trẻ bị thu hút bởi những nhân vật này vì những hành động, phát ngôn ngang tàn, đi ngược lại với những điều chúng ta vẫn thường được nghe trong nhà trường, gia đình”. Bởi vì, theo các chuyên gia tâm lý, giới trẻ hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực của đời sống nên họ thường muốn tìm đến những gì mang tính giật gân, lạ để giải trí.
Mặt khác, tâm lý lứa tuổi với sở thích vượt khỏi sự hiểu biết của phụ huynh cùng những ảnh hưởng của bạn bè khiến cho “văn hóa thần tượng” của giới trẻ ngày càng khó nắm bắt, khó kiểm soát. Nhiều xu hướng thần tượng lệch lạc hiện diện rõ hơn.
Đơn cử, tháng 3/2019, dư luận bức xúc, đau xót với hình ảnh nữ sinh Hưng Yên bị bạn học lột đồ, đánh hội đồng dẫn đến phải nhập viện vì không mang mũ, viết thư cho người yêu hộ bạn. Rõ ràng, đó là dấu hiệu của sự lệch lạc nhận thức, sai lệch trong nhìn nhận đúng - sai, tốt - xấu, tích cực - tiêu cực trong giới trẻ. Nguy cơ trở thành “mầm độc” đối với thế hệ tương lai.
Xu hướng thần tượng lệch lạc, cảm tính trong giới trẻ đang trở thành mối lo ngại về những hành vi lệch chuẩn. Để ngăn chặn xu hướng này, không chỉ trông cậy sự vào cuộc, quản lý của cơ quan chức năng mà hơn hết là sự chung tay của gia đình, nhà trường trong tuyên truyền, nâng cao khả năng thẩm mỹ và nhân cách, đạo đức. Văn hóa thần tượng không xấu, nhưng thần tượng ai, thần tượng vì điều gì lại là vấn đề rất cần sự định hướng của người lớn.
Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Không ai quy định, chúng ta phải thần tượng như thế nào. Trong chiến tranh, giới trẻ chắc chắn thần tượng những con người dũng cảm, nhanh nhẹn, sẵn sàng hi sinh thân mình, quả cảm trong chiến đấu. Khi kinh tế - xã hội phát triển, thần tượng của giới trẻ cũng thay đổi theo. Họ có thể thần tượng ca sĩ, cầu thủ bóng đá… nhưng đều phải đại diện cho cái đẹp. Để làm được điều này, gia đình, nhà trường và xã hội phải định hướng những điều tốt đẹp để lựa chọn thần tượng đúng đắn. Từ đó, giới trẻ không ngừng học hỏi, phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống”.
Bên cạnh đó, thời đại công nghệ số mở ra cho con người nhiều tiện ích nhưng không ít thách thức. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được kết nối internet cả thế giới thông tin với đủ loại hình tốt hay xấu bày ra trước mắt. Rủi ro, tiềm ẩn từ những thông tin độc hại chưa được kiểm duyệt sẽ là thách thức không nhỏ với công tác giáo dục.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: “Công tác giáo dục về an ninh mạng còn nhiều kẽ hở. Trên mạng xã hội những thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực. Vì mức độ nguy hiểm của mạng xã hội, ngành giáo dục cần đưa vào trong nhà trường những chương trình giáo dục về an toàn, an ninh mạng”.
Song song với đó, các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải có thêm một bộ quy tắc ứng xử trên mạng để huy động được sự giám sát của các nhóm xã hội tích cực hay của Nhân dân trong việc loại trừ những kênh xấu, độc hại. Thời gian vừa qua, việc tắt kênh Youtube của đối tượng Khá Bảnh cần phải được truyền thông nhiều hơn để cho thấy, với những trường hợp lệch chuẩn trên mạng như vậy cũng vi phạm và bị xử lý.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-cho-nguoi-tre-358292.html