Cán bộ sử dụng bằng giả, mắc tội gì?
Sử dụng bằng giả không chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vừa qua, tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai trong quá trình làm công tác nhân sự, cơ quan chức năng của tỉnh này đã phát hiện tới 9 cán bộ cấp xã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả.
Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những trường hợp các cán bộ sử dụng bằng cấp giả để tiến thân.
Trước đây, đã có nhiều vụ sử dụng bằng giả chấn động dư luận như:
Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa từng phát hiện 20 cán bộ là dược sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… tại thời điểm bị phát hiện nhiều người công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện nội tiết tỉnh...
Tỉnh Bình Định, năm 2019, ông Lê Phước Đô - công chức Ðịa chính - Xây dựng - Môi trường xã Ân Mỹ (Hoài Ân) sử dụng bằng giả đến 8 năm mới bị phát hiện.
Năm 2019, tại tỉnh Quảng Ngãi phát hiện và cách chức Phó Chủ tịch xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn).
Năm 2019, tại huyệ Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng đã phát hiện tới 14 trường hợp cán bộ sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả.
Có cả những cán bộ giữ vị trí quan trọng ở tỉnh, làm việc nhiều năm, lần lượt qua nhiều vị trí nhưng sau hơn 20 năm mới bị phát hiện.
Năm 2020, tại huyện Tân Uyên, Lai Châu, các ông Lê Văn Hồng và Phan Văn Luân, Phạm Đức Hùng đều đã bị kỷ luật vì sử dụng bằng giả, các trường hợp này thuộc chi bộ cảnh sát giao thông, trước đó năm 2019, cựu Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu sử dụng bằng Trung học phổ thông giả để vào ngành và tiến thân cũng đã bị buộc ra quân…
Các trường hợp này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết rà soát hồ sơ cán bộ ở nhiều cấp tại các địa phương.
Bên cạnh hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì những người sử dụng bằng giả còn phải chịu trách nhiệm pháp lý nào?
Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả sẽ dễ bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan, tổ chức.
Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020.
Trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ xác định công chức đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo Điều 13 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
"Cán bộ mà dối trên, lừa dưới thì sẽ mang họa cho đất nước"
Việc xem xét kỷ luật sẽ trên cơ sở hành vi vi phạm, động cơ mục đích vi phạm và tính đến thời hiệu và thủ tục theo quy định của pháp luật
Ngoài hình thức kỷ luật nêu trên thì Cơ quan quản lý cán bộ công chức có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự.
Trong quá trình xác minh, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có đối tượng đã làm giả các giấy tờ, tài liệu bằng cấp nêu trên thì sẽ xử lý hình sự với đối tượng làm giả giấy tờ tài liệu đó.
Trường hợp người sử dụng tài liệu giấy tờ đó là người chủ mưu, thuê, nhờ người khác làm ra giấy tờ giả thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức.
Trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức nhưng có căn cứ cho thấy cán bộ này biết rõ là bằng cấp chứng chỉ giả mạo nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Việc sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là những người không đủ trình độ phẩm chất đạo đức mà lại làm giả bằng cấp để được bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo thì sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân.
Những hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi vậy với những cán bộ, công chức không đủ phẩm chất đạo đức phải không đủ năng lực trình độ, gian dối giả mạo về trình độ để được tuyển dụng, bổ nhiệm, được giữ những cương vị lãnh đạo thì cần phải áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015:
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/can-bo-su-dung-bang-gia-mac-toi-gi-post216545.gd