Cần bổ sung biện pháp hình sự trong chính sách về bảo vệ môi trường

Chiều 15-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị đã có 8 lượt ý kiến phát biểu, góp ý vào dự thảo Luật. Các đại biểu ủng hộ việc sửa đổi Luật trước yêu cầu hội nhập quốc tế và những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Góp ý vào dự thảo Luật, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm tới Điều 135 quy định về “Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường” và cho rằng, theo các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật này, các cơ quan như UBND cấp xã, UBND cấp huyện cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về môi trường. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 135, dự thảo Luật chỉ bổ sung hình thức giải quyết tranh chấp về môi trường mới là “hòa giải”, chưa đề cập tới hình thức giải quyết tranh chấp về môi trường của các cơ quan hành chính nhà nước.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nhận định mục 1, 2 của Chương 4 dự thảo Luật có nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường có nhiều đổi mới, trả lại bản chất cho việc đánh giá tác động môi trường là công cụ dự báo, chứ không phải công cụ quản lý như trước và việc quản lý dựa trên giấy phép môi trường là phù hợp với thông lệ quốc tế. Song, nội dung đưa ra vẫn mang tính “vừa nhấn ga, vừa đạp phanh”.

“Đối với đánh giá môi trường chiến lược, chúng ta đang thiếu thông tin dữ liệu. Dự thảo Luật chưa có quy định, điều khoản thể hiện sự cương quyết yêu cầu phải áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các loại giấy phép như xả thải, khí thải, rác thải… vẫn đang được cấp riêng rẽ. Do vậy, dự thảo cần quy định tích hợp các giấy phép trên vào một giấy phép môi trường nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp”, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề xuất.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quá đồ sộ với 16 chương, 179 điều, sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành gây khó hiểu. Cùng với việc đề nghị bổ sung các giải nghĩa thuật ngữ, nhiều đại biểu đề xuất thêm một số nội dung như: Cần nhấn mạnh về “quyền” bảo vệ môi trường của công dân; bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch trong thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh trong bảo vệ môi trường nước, đất, không khí…

Đặc biệt, Điều 5 về “Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường”, tại khoản 2 về “Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường”, các ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp hình sự để tăng thêm tính nghiêm minh của pháp luật.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý, báo cáo các cơ quan của Quốc hội xem xét.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/978457/can-bo-sung-bien-phap-hinh-su-trong-chinh-sach-ve-bao-ve-moi-truong