Cần bổ sung chỉ tiêu thống kê liên quan thảm họa môi trường, dịch bệnh

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Báo cáo tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh mới, đặc biệt sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế, việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là cần thiết.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập phạm vi sửa đổi của dự án Luật hiện đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ. Căn cứ Điều 18 của Luật Thống kê năm 2015 và qua tổng kết 5 năm thực hiện các chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê, Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được rà soát, cập nhật, điều chỉnh để kịp thời phản ánh, đánh giá việc thực hiện mục tiêu, đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, quy định của pháp luật mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu thống kê cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương trong việc tham mưu, hoạch định chính sách, điều hành đất nước...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần thiết sửa đổi một số điều hoặc toàn diện Luật Thống kê. Theo đó, qua hơn 5 năm thực hiện, Luật Thống kê đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực vào việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện công tác thống kê, chia sẻ thông tin thống kê chưa hiệu quả; nhiều bộ, ngành chưa ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê; quy định bố trí nguồn lực cho công tác thống kê chưa đáp ứng yêu cầu nhưng chưa làm rõ do bất cập của Luật hay do tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy vẫn có sự khác biệt, không thống nhất về số liệu của cùng một chỉ tiêu thống kê...

Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã lấy ý kiến biểu quyết bằng Phiếu xin ý kiến, kết quả đa số (7/12 Phiếu) tán thành với ý kiến thứ nhất - phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ quan điểm cần sửa đổi Luật Thống kê, bởi luật hiện hành chưa có quy định rõ về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê có sử dụng thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước; chưa có cơ chế ủy thác và đặt hàng cho các tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Phụ nữ Việt Nam; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… thực hiện thống kê.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện cơ quan thống kê nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê hoặc cung cấp thông tin thống kê; chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương, Tổng cục Thống kê, các cục thống kê địa phương cũng như trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu, điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê. Ngay trong phụ lục thống kê, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chưa có chỉ tiêu phản ánh liên kết kinh tế vùng và liên kết kinh tế ngành. Trong điều kiện công nghệ thông tin và khoa học phát triển như vũ bão ngày nay, điều tra thống kê vẫn dùng kỹ thuật điều tra, chọn mẫu, phương sai, kỳ vọng… tạo ra những sai số khá lớn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, rà soát lại các chỉ tiêu thống kê phản ánh xu hướng phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới liên quan đến môi trường; thảm họa môi trường; biến đổi khí hậu; dịch bệnh; các nhóm yếu thế trong xã hội; tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ứng dụng khoa học công nghệ; đô thị hóa; phát triển khu vực tư nhân…

* Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng đã thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-bo-sung-chi-tieu-thong-ke-lien-quan-tham-hoa-moi-truong-dich-benh-i628264/