Cần bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao… gây án đang diễn biến rất phức tạp song thực tế điều tra các vụ án gặp nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc tờ trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc tờ trình trước Quốc hội

Chiều 20-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình ra Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tờ trình nêu rõ, qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, đã góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện Luật cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Trong đó, khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật hiện hành đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thực tế trong 05 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án. Trong đó, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tới 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng.

Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng).

Thực tế điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí” – Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/333 vụ, 2.589/546 đối tượng), các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật hiện hành thì súng tự chế không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ và nghiêm cấm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí này.

Do đó, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ, nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

“Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Mặt khác, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ. Do đó, cần sửa đổi để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tồn tại nữa là hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước để nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Luật hiện hành quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam thì cần thiết phải bổ sung quy định về việc này.

Ngoài ra, các quy định về giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; các quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cũng đã bộc lộ những hạn chế chưa phù hợp với thực tiễn... nên cần sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Bộ trưởng Bộ Công an thông tin, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều.

Một số nội dung đáng chú ý tại dự luật này là bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; bổ sung quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng; bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng…

Dự thảo luật cũng bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ...

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí sự cần thiết sửa đổi luật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát 4 nhóm chính sách quy định về khái niệm; quản lý hoạt động kinh doanh, xuất, nhập khẩu các loại dao và công cụ hỗ trợ khác có tính sát thương cao; cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam; khai báo vũ khí thô sơ là dao có tính sát thương cao để bảo đảm tính khả thi của các chính sách.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, đa số ý kiến thành viên cơ quan thẩm tra nhất trí với các khái niệm về vũ khí tại dự thảo luật, vì cơ bản phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-bo-sung-dao-co-tinh-sat-thuong-cao-vao-nhom-vu-khi-tho-so-post576952.antd