Cán bộ thoái hóa bắt tay doanh nghiệp 'đen': Hậu quả khôn lường

'Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan...'.

Mới đây, vụ án kít xét nghiệm Việt Á tiếp tục có diễn biến mới khi một quan chức đầu tỉnh “ngã ngựa”, nối dài danh sách quan chức ở các bộ, ngành, địa phương vướng vòng lao lý vì một doanh nghiệp làm ăn bất chính.

Vụ án liên quan chuyến bay giải cứu cũng có thêm một quan chức cấp vụ phải tra tay vào còng số 8. Trong danh sách 18 bị cáo bị khởi tố liên quan vụ án này, chỉ có cựu cán bộ và cựu lãnh đạo doanh nghiệp.

Trước đó, những nhân vật sừng sỏ như Vũ “nhôm”, Út “trọc” cũng lũng đoạn, làm cho nhiều quan chức các bộ, ngành, địa phương phải ra trước tòa.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Phan Văn Anh Vũ. (Ảnh: TTXVN)

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Phan Văn Anh Vũ. (Ảnh: TTXVN)

Rõ ràng, hiện tượng quan chức thoái hóa “bắt tay” doanh nghiệp “đen” đang trở thành tệ nạn. Những lãnh đạo chủ chốt nhưng tha hóa cấu kết với doanh nghiệp hình thành “nhóm lợi ích”. Từ đó đồng tiền bất minh cộng với quyền lực được sử dụng vào mục đích bất chính tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Hình thức này có ở mọi cấp, mọi ngành, trên mọi lĩnh vực. Từ việc bố trí đến sắp xếp dự án đầu tư; quản lý các nguồn vốn, chương trình đầu tư xã hội; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện tượng một số cán lãnh đạo thoái hóa, biến chất móc nối với các doanh nghiệp tiêu cực bên ngoài để lũng đoạn, thâu tóm lợi ích vật chất, ngân sách Nhà nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp không phải mới mà đã xuất hiện từ lâu.

Sở dĩ hiện tượng này trước đây chưa bị phát giác nhiều có thể do một số nơi còn “dĩ hòa vi quý”, né tránh hoặc cũng có thể làm chưa tới mức nên khả năng phát hiện của cơ quan chức năng bị hạn chế. Còn hiện nay, với sự chỉ đạo của Đảng, nhất là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng đã phanh phui nhiều vụ việc, không chỉ những vụ án mới xảy ra mà còn cả những vụ cũ từ những năm trước.

“Sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp là hành vi đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý thích đáng, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội” – đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết.

Cũng theo ông Phạm Văn Hòa, những năm gần đây, Đảng đã chỉ đạo rất quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Đến nay, công tác này đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã trở thành xu thế không thể cưỡng lại được.

Công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10

Tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng 9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Điển hình như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Đáng chú ý, một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi.

“Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ Nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…” – báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu để có các giải pháp khắc phục kẽ hở. Chúng ta cần quyết liệt, cương quyết, hành động mạnh mẽ hơn nữa, “củi tươi, củi khô vào lò cũng phải cháy”, cán bộ sai phạm tới đâu xử lý tới đó, như vụ việc mới xảy ra đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ngoài cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương còn lãnh đạo của tỉnh, thành nào đã “dính chàm” liên quan vụ Việt Á? Câu hỏi này cần tiếp tục làm rõ để trả lời công luận.

Nhấn mạnh việc lựa chọn đúng cán bộ là một trong những giải pháp trọng tâm làm nên thành công trong đấu tranh chống tham nhũng, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, cần đổi mới chính sách cán bộ, gắn trực tiếp trách nhiệm của người lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ công tác cán bộ. Cùng với đó phải công tâm, khách quan trong xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

“Trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan, nhìn nhận đúng bản chất sự việc, trong mối quan hệ của cán bộ đó thì đội ngũ mới thực sự trong sạch, vững mạnh. Còn nếu thiên lệch, nể nang, bỏ qua sai phạm của họ để tiếp tục xét duyệt, bổ nhiệm thì công tác cán bộ nói chung, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng khó mà thành công” – ông Phạm Văn Hòa cho biết thêm./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-thoai-hoa-bat-tay-doanh-nghiep-den-hau-qua-khon-luong-post972971.vov