Cán bộ tuyên vận cơ sở: Cầu nối 'ý Đảng' với 'lòng dân'
Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 1.000 tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố với hàng nghìn thành viên, là lực lượng hùng hậu, hăng hái, tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ tuyên vận cơ sở trở thành cầu nối trực tiếp giữa 'ý Đảng' với 'lòng dân'.
Một ngày cuối tháng 7/2022, chúng tôi cùng cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Khương và đồng chí Phàn A Quý, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pha Long tới thăm gia đình chị Long Thị Tươi, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tuyên vận thôn Pha Long I.
Ngôi nhà ba tầng bề thế, khang trang của chị Tươi nổi bật giữa thôn trung tâm của xã Pha Long khiến ai đi qua cũng ngước nhìn, đó cũng là một trong những thế mạnh của chị khi thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Đồng chí Phàn A Quý khẳng định: Với cán bộ tuyên vận cơ sở, trước khi nói được thì phải làm tốt đã, như thế mới làm người khác nghe theo. Điều đó càng đúng hơn với trường hợp chị Tươi.
Chị Long Thị Tươi không chỉ là cán bộ cơ sở có năng lực tốt mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế. Có thời điểm, đàn lợn thịt trong chuồng nhà chị lên tới hàng trăm con, chịu khó học hỏi, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên chị sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong thôn.
Từ những mô hình tích cực như gia đình chị Tươi, thôn Pha Long I xuất hiện ngày càng nhiều hộ làm giàu từ chăn nuôi lợn, nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa.
Thôn có đường biên giới giáp Trung Quốc nên một trong những nội dung tuyên truyền, vận động được Tổ tuyên vận quan tâm là chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục về thôn giáp biên của xã Pha Long là Lồ Cô Chin, chúng tôi tìm gặp anh Sùng Trá Pao, Trưởng thôn, thành viên Tổ tuyên vận. Đây là thôn đặc biệt không chỉ của huyện Mường Khương với số dân chưa tới 20 hộ đồng bào Mông, nằm ngay lối mở dân sinh trước đây nhân dân thường xuyên qua lại giao lưu, buôn bán bên kia biên giới.
Anh Sùng Trá Pao có dáng vẻ hoạt bát, giọng nói trầm ấm, cuốn hút. Anh Pao bảo, tháng nào Tổ tuyên vận của thôn cũng tổ chức họp dân ít nhất một lần, nội dung họp ngoài hướng dẫn của Đảng ủy xã, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, là việc tuyên truyền, nhắc nhở các hộ không xâm phạm khu vực biên giới, không tảo hôn, không mê tín dị đoan, không nghe người lạ, không theo kẻ xấu, không buôn bán hàng cấm.
Tổ Tuyên vận thôn biên giới Lồ Cô Chin có 3 thành viên, Tổ trưởng phân công mỗi thành viên thực hiện một nhiệm vụ, như: Người thì tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bảo vệ an ninh trật tự xã hội; người thì vận động thi đua sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế; người thì tuyên truyền Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, chăm lo việc học của con, em, bài trừ hủ tục, giữ vệ sinh môi trường…
Thông qua công tác tuyên vận, thành viên tổ tuyên vận các thôn của xã Pha Long còn là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang trong nắm chắc tình hình Nhân dân, nhất là bà con khu vực biên giới.
Điểm nổi bật trong công tác tuyên vận của huyện Mường Khương thời gian gần đây là việc tổ chức các hội nghị tuyên vận tại các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư. Trước đây, hội nghị tuyên vận chỉ được tổ chức tại Nhà văn hóa xã. Đây là cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là đối với huyện vùng cao, biên giới có đến 89% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, các tổ tuyên vận của huyện Mường Khương đã tổ chức được 300 hội nghị tuyên tuyền, vận động Nhân dân với các nội dung theo hướng dẫn của các xã và Huyện ủy.
Tại huyện Bảo Thắng, thời gian qua, các tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố đã phát huy tích cực vai trò tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước tới Nhân dân. Điểm nổi bật là việc bám sát chủ trương lãnh đạo của địa phương, nhất là trong thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Tại thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận, hoạt động của tổ tuyên vận đã góp phần quan trọng trong việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung là cây quế. Ông Triệu Kim Phúc, dân tộc Dao, thành viên Tổ tuyên vận thôn Khe Bá cho biết, thôn có 120 hộ thì có tới 204 ha quế hàng hóa, riêng gia đình ông Phúc có gần 7 ha quế đã tới tuổi thu hoạch.
Ông Phúc là cán bộ tuyên vận cơ sở gần chục năm qua. Nói về kinh nghiệm tuyên truyền, ông Phúc chia sẻ: Muốn dân nghe thì cán bộ không chỉ nói hay, mà phải làm trước, làm cho có hiệu quả thì dân mới tin. Ngược lại, cấp ủy, chính quyền lại lựa chọn những người làm tốt ở cở sở làm thành viên thì tổ tuyên vận hoạt động mới hiệu quả.
Xuất phát là thôn có nhiều hộ nghèo, nhưng đến nay, nhờ trồng quế mà Khe Bá chỉ còn 16 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), thôn dẫn đầu toàn xã nhiều tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Tương tự, tại thôn Phú Hải I, để hoàn thành các tiêu chí thôn kiểu mẫu nâng cao, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Tuyên vận thôn Nguyễn Văn Bắc hằng ngày vẫn miệt mài với công tác vận động, tuyên truyền để dân hiểu, dân tin, dân thực hiện. Thành công mới nhất là trong quý II vừa qua, 130 hộ dân trong thôn đã góp gần 100 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa; năm 2021 các hộ cũng góp số tiền tương đương để sửa chữa, nâng cấp đường giao thông qua thôn, đường ngõ, xóm.
Trong phát triển kinh tế, Phú Hải I là thôn hàng đầu của xã Phú Nhuận, hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lý, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận, thành công của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới luôn có một phần đóng góp mang tính dấu ấn của Ban Tuyên vận xã, các tổ tuyên vận thôn, bản.
“Tại xã Phú Nhuận, Đảng ủy luôn lựa chọn công tác tuyên truyền, vận động là mũi giáp công, đi trước, mở đường. Tuyên vận tốt sự nghiệp mới thành, những gì chưa làm được thì có nguyên nhân là tuyên vận còn yếu”, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Nguyễn Hữu Lý khẳng định.
Huyện Bảo Thắng hiện có gần 600 thành viên tổ tuyên vận các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, thời gian qua, chất lượng hoạt động của các tổ tuyên vận, thành viên tổ tuyên vận được nâng lên nhiều theo hướng bám sát yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành và địa phương.
Thông qua công tác tuyên vận, huyện đã triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với người dân, qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về thực hiện nhiệm vụ chính trị như xây dựng nông thôn mới, công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an ninh trật tự xã hội…
Kết quả hoạt động tại hai huyện Mường Khương và Bảo Thắng là ví dụ tiêu biểu về thành công của mô hình tuyên vận của tỉnh Lào Cai trong những năm qua. Với cách làm sáng tạo, chủ động, linh hoạt của ngành tuyên giáo trong xây dựng mô hình tuyện vận đã góp phần để Lào Cai tiếp tục là điểm sáng của vùng Tây Bắc.