Cán bộ, viên chức, người lao động chung tay giảm thiểu chất thải nhựa
Góp phần giảm ô nhiễm chất thải nhựa, Bệnh viện Thể thao Việt Nam yêu cầu các cán bộ rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể từng bước thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị này.
Nói không với chất thải nhựa
Bác sĩ Vũ Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, qua các buổi giao ban, hội nghị, lãnh đạo bệnh viện đều lồng ghép tuyên truyền phổ biến triển khai Chỉ thị tới tất cả các đơn vị, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc bệnh viện.
Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận tham gia của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
Những năm qua, số bệnh nhân tin tưởng đến khám, điều trị tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam đều tăng, với trung bình là từ 450-500 lượt bệnh nhân/ngày; số giường bệnh theo kế hoạch là 150 giường bệnh, bệnh viện triển khai số giường thực tế là hơn 200 giường bệnh; chỉ tính riêng tổng số lượt khám trong năm 2018 là 47.807 lượt bệnh nhân đạt 129% so với kế hoạch... Bởi vậy, chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt và các hoạt động chuyên môn từ bệnh viện sẽ là rất lớn.
Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này hướng đến sẽ có thể được thay thế bằng các vật liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.
"Đến nay các phòng, khoa đều hạn chế sử dụng đồ nhựa. Tất cả đều không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần; không sử dụng chai nhựa tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, thay bằng ly thủy tinh, bình kim loại...
Cùng với đó, nhiều bệnh nhân của bệnh viện không dùng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay vào đó là túi phân hủy sinh học, vật dụng bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường", bà Thủy chia sẻ.
Có được những kết quả ban đầu đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động tiếp theo để giảm thiểu chất thải nhựa như từng bước sử dụng túi giấy phát thuốc cho người bệnh thay cho túi nilon.
Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường bệnh viện xanh sạch đẹp thì các y bác sĩ tại bệnh viện đóng vai trò tích cực, là tuyên truyền viên về ảnh hưởng của chất thải nhựa tới môi trường, tới sức khỏe, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Tuyên truyền phân loại, giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa
Việc phân loại rác thải theo từng nhóm riêng đã được các y, bác sỹ tại bệnh viện thực hiện tốt. Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Bác sỹ Vũ Thị Thu Thủy cho biết, bệnh viện đã giao cho các khoa tự thu gom theo đúng quy định.
Tại mỗi khoa, phòng đều có khu vực lưu giữ riêng biệt từng loại rác thải, có biển chỉ dẫn cụ thể. Bệnh viện cũng đã xây dựng kế hoạch phân loại và xử lý chất thải theo đúng quy định của Bộ Y tế cũng như đáp ứng đủ điều kiện của Luật Bảo vệ môi trường.
Công tác tuyên truyền phân loại rác thải, giảm thiểu chất thải nhựa cũng được y bác sĩ, nhân viên của Khoa Tai - Mũi - Họng, Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) thực hiện tốt. Bác sĩ Nhâm Văn Lạc - Trưởng khoa cho biết, đội ngũ cán bộ y tế của khoa thường xuyên tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà việc phân loại rác thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt.
"Hầu hết các bệnh nhân của khoa thường sử dụng cốc giấy thay cho cốc nhựa. Dùng cốc giấy sử dụng một lần bệnh nhân yên tâm, họ cho rằng không phải dùng lại của bất cứ ai...", Bác sĩ Lạc chia sẻ.
Tuy nhiên theo bác sĩ Lạc, việc mua và sử dụng cốc giấy bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường chi phí vẫn còn cao, hệ thống vật tư nha khoa thì chưa cung cấp ra thị trường. Việc mua cốc giấy, túi giấy thân thiện với môi trường hầu hết phải qua hệ thống siêu thị giá thành cao.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hằng (trú huyện Đại Từ, Thái Nguyên) chia sẻ: “Vào viện, tôi và người nhà được các y, bác sỹ hướng dẫn việc giữ vệ sinh, để rác đúng nơi quy định. Đặc biệt những ngày điều trị lưu trú, các bác sỹ, y tế khuyến cáo gia đình hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon. Gia đình tôi cũng đã dùng bình nước, cốc thủy tinh thay cho chai nước, cốc nhựa...”.
"Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí mua thay thế túi đựng rác thải sinh học thân thiện với môi trường gửi tới Tổng cục Thể dục Thể thao. Xây dựng đề án thành lập Khoa khám bệnh theo yêu cầu, đi vào hoạt động khoa khám bệnh theo yêu cầu sẽ góp phần thực hiện tốt hơn việc giảm thiểu chất thại nhựa dùng một lần...", Bác sỹ Vũ Thị Thu Thủy thông tin.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai thực hiện với các nội dung của bản cam kết: Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các vật dụng, vật tư y tế làm từ nhựa không thể thay thế; tăng cường sử dụng các vật dụng, dụng cụ, vật tư, thiết bị, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa đựng thuốc, hóa chất làm tự vật liệu thân thiện với môi trường.
Sử dụng bình nước thủy tinh, cốc thủy tinh để phục vụ nước cho đại biểu khi tổ chức họp, hội thảo, hội nghị; khi thực hiện mua sắm đấu thầu đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, văn phòng phẩm bổ sung yêu cầu kỹ thuật bao gói bằng chất liệu thân thiện với mội trường vào hồ sơ yêu cầu, liên hệ với nhà sản xuất thu gom tái sử dụng một số can, thùng chứa dịch, hóa chất có thể tái sử dụng; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom tái chế đúng quy định.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế cho đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế; có sổ tay quản lý chất thải y tế, kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế từ hoạt động, sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế...
Xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, lộ trình thích hợp của mỗi đơn vị về việc giảm thiểu chất thải nhựa; lồng ghép giảm thiểu chất thải nhựa vào thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng các bệnh viện; khuyến khích động viên và khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt việc giảm thiểu chất thải nhựa, tích cực nghiên cứu, áp dụng biện pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị...