Cán bộ xã miền núi Sông Kôn nỗ lực vì một chính quyền gần dân
Thực hiện phương châm 'làm hết việc, không hết giờ, vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh', đội ngũ cán bộ xã miền núi Sông Kôn, TP. Đà Nẵng, đang nỗ lực xây dựng cộng đồng trách nhiệm, từng bước gỡ khó để dần đưa bộ máy chính quyền mới vào hoạt động ổn định, đáp ứng sự kỳ vọng của đồng bào vùng cao.
21h đêm ngày cuối tuần, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sông Kôn, TP. Đà Nẵng (gồm các xã Ating, Jơ Ngây và xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cũ) vẫn sáng đèn. Anh Zơ Râm Va Rốp cùng một số cán bộ vẫn cặm cụi bên chiếc máy tính với những hồ sơ cần phải giải quyết trong ngày.
Được điều động từ Trung tâm hành chính huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (cũ) về xã Sông Kôn, TP. Đà Nẵng (mới), cách nhà hơn 40 cây số nên ngày ngày anh Anh Zơ Râm Va Rốp phải đi làm từ lúc con gà chưa kịp gáy và trở về nhà khi trời đã tối mịt. Những hôm trời mưa, dông sét hay công việc bộn bề, anh ở lại luôn cơ quan.
“Khó khăn nhất hiện tại là bộ phận chuyên viên phải hỗ trợ người dân nhập hồ sơ. Nhiều người dân viết còn chưa thông chứ chưa nói đến nhập nộp dịch vụ công trực tuyến. Anh em cố gắng thôi, người dân lên phải hỗ trợ vừa nộp hồ sơ trực tuyến vừa phải làm hồ sơ giấy, vừa giúp họ làm tờ khai, vừa nhập phần mềm để thực hiện thủ tục trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, cũng khó khăn cho anh em”, anh Anh Zơ Râm Va Rốp chia sẻ.

Người dân đến làm thủ tục giấy tờ tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sông Kôn, TP. Đà Nẵng (mới)
Chính quyền mới, đồng nghiệp mới, môi trường làm việc mới… mọi thứ đều là khởi đầu nên chị Phạm Thị Ngọc, cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sông Kôn xác định, bản thân luôn phải nỗ lực vượt khó, làm hết việc, không hết giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Cứ thế, chị vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm để từng bước thích nghi với công việc mới.
Trong tuần đầu đưa vào vận hành chính quyền 2 cấp, bà con đến làm thủ tục chưa nhiều nhưng do hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo, mạng Internet chập chờn... nên việc giải quyết hồ sơ đôi lúc vẫn chưa kịp thời.
“Bộ máy mới thay đổi nhiều thứ. Bây giờ phần mềm chưa được hoàn thiện nên có một số hồ sơ bên tư pháp hộ tịch, một số người xử lý được, còn một số cũng bị treo vì phần mềm cứ nâng cấp miết. Vướng thì mình cùng vào các nhóm, đường dây nóng để xin hỗ trợ nhưng họ cũng hẹn, họ kêu đông quá mấy anh chị thông cảm, lâu lâu trục trặc, thành ra vướng chỗ đó thôi. Nói chung, người dân thông cảm, ai cũng hiểu cho cái mới chưa thể hoàn hảo ngay”, chị Ngọc Bảo nói.
Để tạo thuận lợi cho cán bộ trong việc vận hành chính quyền 2 cấp, vừa qua, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho đội ngũ cán bộ 2 xã Sông Kôn và Đông Giang. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc của cán bộ cơ sở trong quy trình xử lý văn bản, công việc phát sinh từ thực tế đã được giải đáp, hướng dẫn cụ thể.
Cùng với tập huấn nghiệp vụ, xã Sông Kôn còn đầu tư kinh phí trang bị máy photocopy, máy tính, máy scan, máy in... ngay tại Trung tâm phục vụ hành chính công, sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn, giúp bà con tiếp cận và dần làm quen với dịch vụ công trực tuyến.
Ông B’riu Tư, người dân ở thôn Bhờ Hôồng, xã Sông Kôn, TP. Đà Nẵng nhận xét: “Từ ngày 1/7, chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động, thì thấy cán bộ làm việc hiệu quả hơn, vì họ có trình độ năng lực, có tâm huyết. Hồ sơ mình nộp họ giải quyết nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, những lúc người dân tập trung đông, hồ sơ nhiều thì mình cũng phải chờ. Người trẻ tuổi có điện thoại thông minh làm thủ tục dễ hơn còn đối với người lớn tuổi mà chưa biết chữ nữa, chưa biết dùng điện thoại thì cũng khó khăn, cán bộ phải hướng dẫn mới làm được”.
Xã miền núi Sông Kôn mới có diện tích hơn 210 km2, dân số gần 8.750 người; trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm hơn 80%. Ông Đỗ Hữu Tùng, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, TP. Đà Nẵng cho biết, vượt qua những khó khăn thiếu thốn về hạ tầng công nghệ, năng lực cán bộ, điều kiện môi trường làm việc mới… tuần đầu triển khai bộ máy chính quyền mới ở xã Sông Kôn diễn ra khá suôn sẻ và đang dần ổn định.
“Cơ bản những ngày qua, hệ thống cũng như cán bộ công chức đã hỗ trợ cho bà con đến giao dịch tại xã. Điều kiện cơ sở vật chất cơ bản ổn. Liên quan đến cải cách hành chính cũng như chính quyền số, địa phương đang tập trung sắp xếp nhân sự để đảm bảo đầy đủ cán bộ công chức, đầy đủ chuyên môn liên quan đến công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế, từng bước nâng dần chất lượng hoạt động trong chính quyền số”, ông Tùng cho biết.
Theo ông Phan Văn Bình, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng, bộ máy chính quyền mới ở 94 xã, phường, đặc khu trên địa bàn thành phố cơ bản vận hành thông suốt. Riêng với địa bàn miền núi, trong quá trình triển khai thực hiện chính quyền 2 cấp đã phát sinh một số khó khăn, bất cập, nhất là về nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, điều kiện phương tiện làm việc…
UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết cụ thể. Trên cơ sở đó, các ban, ngành chức năng có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo chính quyền thành phố.
“Tất cả nội dung này đã được UBND Thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết, để trong tháng 7 phải hoàn thành, đảm bảo chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là ở cấp xã, phường đi vào hoạt động ổn định, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo, của Ban Thường vụ Thành ủy và của UBND thành phố, sự chủ động tích cực của các ngành và sự vượt khó của địa bàn các xã miền núi, tôi tin rằng các địa phương sẽ khắc phục được những khó khăn và đi vào hoạt động ổn định trong thời gian sớm nhất”, ông Phan Văn Bình nói.