Lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Đây là nội dung đáng chú ý trong Luật Nhà giáo vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Theo đó, cùng với quy định về lương, nhiều chính sách đãi ngộ, phụ cấp đặc thù và cơ chế bảo vệ danh dự nhà giáo cũng sẽ được hoàn thiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ và chính sách thu hút đối với nhà giáo. Ảnh: KT&ĐT
Tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Quốc hội đã quy định "lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ và chính sách thu hút đối với nhà giáo. Mục tiêu là đảm bảo các quy định này có hiệu lực đồng bộ cùng thời điểm Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ xếp lại bảng lương đối với một số chức danh giáo viên như: giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, giáo viên dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV… nhằm đảm bảo thống nhất giữa bảng lương của viên chức ngành giáo dục và các ngành nghề khác trong khối hành chính sự nghiệp.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo cũng quy định bổ sung các khoản phụ cấp đặc thù như: phụ cấp trách nhiệm, ưu đãi ngành nghề, trợ cấp thâm niên, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, phụ cấp lưu động… góp phần nâng cao thu nhập thực tế, giúp giáo viên yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề.
Một nội dung đáng chú ý khác, với giáo viên ký hợp đồng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng quy định "lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" sẽ là căn cứ để tính lương theo thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi, giúp họ có thu nhập tương xứng với công sức.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, hiện nay giáo viên hợp đồng thường chỉ nhận được 60-70% thu nhập so với giáo viên biên chế, dù vẫn thực hiện đầy đủ công việc giảng dạy, soạn giáo án.
Việc ban hành quy định này sẽ giúp đảm bảo bình đẳng, khắc phục tình trạng thiệt thòi cho giáo viên hợp đồng, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực nghỉ việc trong ngành.
Trước câu hỏi liệu việc tăng lương có làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hay không, Trước băn khoăn việc tăng lương giáo viên có làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm hay không, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định lại quan điểm "không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm nếu tổ chức tràn lan, không đúng quy định". Giáo viên không được dạy thêm với học sinh mình trực tiếp dạy trên lớp.
Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 05 Chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Một điểm mới nổi bật của Luật là việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo. Theo đó, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý nghiêm nếu có hành vi xúc phạm nhà giáo, hoặc phát tán thông tin quy chụp khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Điều này góp phần bảo vệ uy tín nghề giáo và xây dựng môi trường học đường an toàn, văn minh.
Luật cũng quy định nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà, trợ cấp sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng chuyên môn, ưu tiên tuyển dụng – điều động – tiếp nhận…
Đáng chú ý, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm (nếu có đủ 15 năm đóng BHXH) mà không bị giảm lương hưu. Trong khi đó, các chức danh như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực đặc thù sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu để giữ chân nhân tài.
Đối với đội ngũ hơn 1 triệu nhà giáo trong toàn quốc, Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.