Cán bộ y tế Phú Thọ xin nộp lại tiền 'hoa hồng' từ Việt Á có được coi là tình tiết giảm nhẹ?
Liên quan đến việc một cán bộ y tế thuộc BVĐK Phú Thọ đã nhận 'hoa hồng' hơn 2 tỷ đồng của Công ty Việt Á nhưng sau đó đã xin nộp lại, nhiều người đặt câu hỏi: Đây có được xem là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý cán bộ vi phạm?
Thanh tra tỉnh Phú Thọ xác định Trần Gia Phú, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ đã nhận của cán bộ Công ty Việt Á) số tiền "hoa hồng" là 2 tỷ đồng.
Việc nhận số tiền trên, ông Phú không báo cáo sự việc với Ban giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế. Chỉ đến khi Đoàn thanh tra đến làm việc, ông Phú mới báo cáo sự việc và xin nộp vào Ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền này.
Tương tự, trước đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước cũng đã “xin” trả lại quà của Công ty Việt Á. Ngày 8-4, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Sáu bằng hình thức cách chức.
Về việc xin trả lại quà, tiền đã nhận hối lộ, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, cơ quan, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết, hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp không từ chối được thì người nhận quà phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân nhận quà, tiền…có thể bị xử lý hình sự về Tội nhận hối lộ. Điều 354 BLHS 2015 nêu rõ, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào theo Khoản 1 điều này cho chính bản thân người đó, hoặc cho người, hoặc tổ chức khác để làm, hoặc không làm một việc vì lợi ích, hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, theo điều 40 BLHS 2015, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình.
Có thể nói việc chủ động trả lại quà do doanh nghiệp biếu tặng của một số Giám đốc CDC, cán bộ y tế khi thực hiện việc đấu thầu, mua sắm tài sản công là đáng hoan nghênh song hành vi này vẫn trái quy định bởi nó diễn ra sau thời điểm nhận được quà khá lâu và chỉ khi vụ việc bị phát hiện.
Nộp lại tài sản do phạm tội mà có không phải là khái niệm pháp lý được quy định trong bộ luật hình sự, còn "khắc phục hậu quả" lại được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 51 BLHS 2015.
Theo đó, bị can, bị cáo có thể nộp tiền khắc phục hậu quả hay tiền do phạm tội mà có tại quá trình điều tra hoặc trước, trong và sau giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực. Tòa án sẽ căn cứ số tiền đã nộp của bị cáo để coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
“Việc trả lại quà chỉ được coi là biện pháp chủ động khắc phục hậu quả, tự giác khai báo, còn cơ quan điều tra sẽ xác minh hành vi đã cấu thành tội Nhận hối lộ chưa. Trường hợp CQĐT xác định hành vi đã cấu thành tội này thì việc trả lại số tiền nhận hối lộ sẽ có ý nghĩa trong việc giảm nhẹ hình phạt” – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.