Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ
Đó là câu ngạn ngữ của châu Phi khi nói về việc giáo dục trẻ em. Câu nói ngắn gọn nhưng đã khẳng định một triết lý giáo dục đúng đắn, không thể bàn cãi. Đó là để nuôi lớn, dưỡng dục một đứa trẻ nên người chính là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cộng đồng đó bao gồm 5 chủ thể then chốt trong giáo dục là: Nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học.
Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) Kiều Mạnh Hà cho rằng, trong giáo dục học trò, vai trò quản lý của nhà trường rất quan trọng. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng là hoạt động thường xuyên mà Trường THPT Xuân Lộc tổ chức trong các tiết sinh hoạt
dưới cờ.
Cùng với đó, thầy Hà còn trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ chủ nhiệm. Trước mỗi buổi sinh hoạt chủ nhiệm, thầy đều làm việc trước với giáo viên, thảo luận và quán triệt một số nội dung cần thiết. Ngoài ra, thầy cũng tham gia dự giờ tiết chủ nhiệm của một số lớp; trực tiếp giải quyết một số vấn đề mâu thuẫn giữa học sinh, biểu hiện bạo lực học đường… Nhờ đó, học sinh có những thay đổi rõ rệt.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, nhà sáng lập Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay, nhà trường là một xã hội thu nhỏ mà ở đó các em học sinh là một nhân tố chịu ảnh hưởng của tất cả các mối quan hệ, các tình huống xung quanh mình. Sự phát triển chưa đồng bộ về tâm lý, suy nghĩ khiến lứa tuổi này dễ trở nên bốc đồng, muốn chứng tỏ bản thân mình.
Ông An cho rằng, việc chú trọng đến sức khỏe tinh thần, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hợp tác, cách thức thể hiện bản sắc cá nhân một cách tích cực, nuôi dưỡng tính cách, lòng biết ơn và tình yêu thương nên trở thành những tiêu chí quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy mới có thể hy vọng có được trường học hạnh phúc mà ở đó các em học sinh đều thích đến trường, thầy cô thích đến lớp trong một môi trường thân thiện, tích cực
TS Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy kỹ năng tự quản lý và kiểm soát bản thân (phần rất quan trọng trong tính cách) là chỉ báo dự đoán được sự thành công và hạnh phúc của mỗi con người khi trưởng thành. Nhưng rất tiếc, nhiều phụ huynh lại chỉ quan tâm nhiều đến chỉ số về chiều cao, cân nặng, hay thành tích học tập”.
Theo chuyên gia tâm lý này, để nuôi dưỡng tính cách, không thể chỉ xuất phát từ những lời nói, mà phần quan trọng chính là cách thức hành động, thái độ trong từng tình huống cụ thể. Do đó, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo. Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh cũng có những cách ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng với chính đứa con, với những người thân trong gia đình.