Cần các giải pháp căn cơ, chiến lược khắc phục tình trạng sạt lở tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau
Tối 11/8, tại Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình và công tác khắc phục sạt lở tại ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, trong suốt hơn 740km bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau là nơi có đường bờ biển dài nhất với hơn 254km. Đây cũng là địa phương “điểm nóng” về tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, do tác động cực đoan từ các hình thái của biến đổi khí hậu gây nên.
Sạt lở ở Cà Mau diễn ra quanh năm, rừng phòng hộ bị phá hủy nghiêm trọng nên đường bờ biển lấn nhanh về phía đất liền. Thống kê của ngành chức năng địa phương, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187/254km. Chỉ trong 10 năm (từ 2011-2021), Cà Mau bị sạt lở làm mất đất và rừng phòng hộ ven biển hơn 5.200ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh).
Tình trạng tương tự tại các khu vực ven sông, với tổng chiều dài sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425/8.118km. Sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, nguy cơ ảnh hưởng sản xuất của người dân trong khu vực hơn 3.700ha.
Trước hiểm họa sạt lở vùng ven biển, trong nhiều năm liên tục, Cà Mau ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp, cầu cứu sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Nhờ đó đến nay, tỉnh đầu tư xây dựng và hoàn thành được gần 56km kè bảo vệ vùng ven biển, với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng; trong đó, đầu tư kè ven bờ biển Tây chiều dài hơn 43km, hơn 1.100 tỷ đồng; bờ biển Đông gần 12km, kinh phí thực hiện hơn 610 tỷ đồng, hơn 9km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí hơn 390 tỷ đồng…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với triều cường dâng cao đã gây sạt lở tại nhiều đoạn bờ sông, bờ biển, sạt lở lấn sâu vào khu vực đông dân cư, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng và đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực, cụ thể, về sạt lở bờ sông: từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra trên 80 đoạn sạt lở, với khoảng 1.770m, chủ yếu xảy ra trên địa bàn huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Xuyên,…
Trong đó, có một số trường hợp sạt lở rất nghiêm, trọng ảnh hưởng tài sản người dân và hạ tầng công cộng, cụ thể: ngày 23/2/2023, tại xã Song Phụng, huyện Long Phú xảy ra sạt bờ sông, với chiều dài khoảng 50m, sâu vào khoảng từ 8-10m, làm hư hỏng toàn bộ hệ thống quan trắc độ mặn tại vàm Nhơn Mỹ; tháng 5/2023, tại xã An Mỹ, huyện Kế Sách xảy ra sạt lở bờ sông, làm hư hỏng 2 đoạn đường giao thông nông thôn, với chiều dài 50m, dẫn đến giao thông bị chia cắt; ngày 2/6, tại xã Song Phụng, huyện Long Phú xảy ra sạt lở bờ sông với chiều dài 70m, sâu vào khoảng 10m, làm hư hỏng đoạn đường giao thông nông thôn tại vị trí này; ngày 20 và ngày 21/6, tại xã Song Phụng, huyện Long Phú xảy ra sạt lở bờ sông, với chiều dài khoảng 40m, sâu vào khoảng 8m, làm hư hỏng đoạn đường giao thông nông thôn tại vị trí này và thiệt hại 3 căn nhà của người dân.
Về sạt lở bờ biển: tuyến đê biển sạt lở chủ yếu trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu gồm các đoạn: Khu K39-K45: khoảng 7km thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, hiện nay đai rừng phòng hộ không còn, sóng đánh trực tiếp vào thân đê nguy cơ vỡ đê vào những ngày triều cường là rất cao.
Khu Cống số 04 đến Cống số 08: đai rừng phòng hộ còn khoảng 50-100m, 5 năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, triều cường, sóng lớn xâm thực làm mất dần rừng phòng hộ và lấn vào thân đê. Để ổn định lâu dài, rất cần thiết đầu tư tuyến kè ngầm giảm sóng bảo vệ đai rừng phòng hộ hiện hữu, gây bồi tạo bãi và trồng phục hồi rừng phòng hộ để người dân và hạ tầng công cộng khu vực bên trong đê được bảo vệ an toàn, phát triển bền vững.
Triều cường sông Hậu gây tràn nhiều đoạn đê cửa sông Tả, Hữu Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung: tuyến đê cửa sông Tả, Hữu Cù Lao Dung chiều dài khoảng 80km được đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2010, qua hơn 10 năm sử dụng đã xuống cấp, hiện tại vào các đợt triều cường đã tràn nhiều đoạn. Trước đây, do kinh phí khó khăn nên tỉnh đầu tư với quy mô mặt đê rộng 3m, cứng hóa mặt đê rộng 2m phục vụ xe 2 bánh đi lại vận chuyển hàng hóa.
Hiện nay, để bảo đảm ứng phó biến đổi khí hậu, triều cường và đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại vận chuyển hàng hóa phát triển kinh tế tại địa phương, từ nguồn vốn đầu tư trung hạn 2021-2025, tỉnh đã nâng cấp được khoảng 30km/80km với quy mô mặt đê rộng 5m cứng hóa mặt đê rộng 3,5m, còn lại khoảng 50km đang rất cần được nâng cấp hoàn chỉnh toàn tuyến để bảo đảm phòng, chống thiên tai…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 1/8/2023, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 35 trường hợp sạt lở. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 71 căn nhà, bị ảnh hưởng 119 căn nhà (xuất hiện các vết nứt); chiều dài sạt lở gần 1.700m; ước tính thiệt hại do các đợt sạt lở gây ra gần 23 tỷ đồng; trong đó, diến biến sạt lở và lốc xoáy năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, như sau:
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 6 trường hợp sạt lở (thị xã Giá Rai 5 trường hợp và thành phố Bạc Liêu 1 trường hợp). Tổng chiều dài sạt lở là 265m. Ước thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Các trường hợp sạt lở nêu trên, địa phương đã gia cố tạm thời chống sạt lở bổ sung, chưa xây dựng công trình phòng chống sạt lở. Về tình hình lốc xoáy: năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 20 đợt lốc xoáy. Các đợt lốc xoáy làm thiệt hại 93 căn nhà (sập 30 căn, tốc mái 63 căn). Tổng thiệt hại ước tính gần 4 tỷ đồng. Sau các đợt lốc xoáy gây thiệt hại được Ủy ban nhân dân tỉnh xuất ngân sách chi hỗ trợ kịp thời khắc phục thiệt hại cho các hộ dân theo quy định.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 8 trường hợp sạt lở bờ sông, bờ biển (thành phố Bạc Liêu xảy ra 1 trường hợp sạt lở bờ biển; thị xã Giá Rai xảy ra 3 trường hợp sạt lở bờ sông; huyện Đông Hải xảy ra 4 trường hợp sạt lở bờ sông), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước đây.
Các đợt sạt lở làm 119 căn nhà bị sụp và bị ảnh hưởng (trong đó: nhà bị sụp: 20 căn, nhà bị ảnh hưởng: 99 căn); gây thiệt hại hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và gây sụp, thiệt hại các công trình khác như: nhà kho, hàng rào, hồ chứa nước của 2 doanh nghiệp. Tổng chiều dài bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở gần 1.000m. Tổng thiệt hại ước tính gần 10 tỷ đồng. Hiện nay mới có 2 trường hợp đã khắc phục tạm thời để chống sạt lở phát sinh (1 trường hợp sạt lở bờ biển thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu và 1 trường hợp sạt lở bờ sông thuộc địa bàn huyện Đông Hải). Tổng kinh phí khắc phục 2 trường hợp này gần 2 tỷ đồng.
Các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư).
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân và nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong nhân dân, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian tới, để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng đề nghị tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư). Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thủ tướng đề nghị hoàn thiện dự án khắc phục các điểm sạt lở nguy hiểm trước mắt; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; tính toán vốn phù hợp, lựa chọn vấn đề nào cấp bách.
Về lâu dài, chúng ta cần nghiên cứu làm các dự án mang tính chiến lược, rất căn cơ, bài bản để khắc phục tình trạng sạt lở; trước hết là những cái nguy hiểm tính mạng, tài sản của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Cà Mau nghiên cứu dự án “3 trong 1”: quai đê làm đường giao thông; phá sóng, ngăn chặn sạt lở; giữ đất phù sa, tạo cơ hội lấn biển những nơi có điều kiện, không ảnh hưởng môi trường.
Thủ tướng gợi ý, Sóc Trăng cần chọn điểm cấp bách làm ngay để làm sớm; Bạc Liêu cũng làm như vậy; Cà Mau cũng tính toán hoàn thiện chống sạt lở biển phía Tây; biển phía Đông tính toán làm bài bản, chiến lược.
* Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát bằng trực thăng các điểm sạt lở ven biển tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; khảo sát điểm sạt lở ở Đất mũi Cà Mau.