Cần cái nhìn công bằng hơn với đường sắt

Tết là dịp đường sắt bù đắp cho những kỳ thấp điểm trong năm. Đó là quy luật thị trường, dịch vụ nào 'hot', sản phẩm nào 'hot' giá sẽ cao hơn.

Khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn

Khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn

Bắt đầu mở bán từ ngày 20/10, đến nay ngành Đường sắt đã tổ chức bán vé tàu Tết Canh Tý 2020 được hơn 1 tuần. Như mọi năm, áp lực đổ về ga Sài Gòn. Người dân về ga mua vé tàu Tết rất đông. Tuy nhiên, không còn cảnh rồng rắn, vạ vật mòn mỏi chờ mua vé tàu như tình trạng phổ biến cách đây khoảng 5 - 6 năm về trước.

Ga Sài Gòn dành nguyên tầng lầu, mở thêm cửa bán vé để bán vé tàu Tết. Cùng đó, bán vé theo số thứ tự bằng tin nhắn qua tổng đài tự động. Hành khách có thể căn cứ vào số thứ tự để “canh” thời gian đến ga mua vé, thay vì mất cả ngày, cả buổi như trước kia. Vì vậy, ga Sài Gòn tuy đông khách mua vé nhưng thông thoáng.

Hơn nữa, hành khách đa số đã quá quen với hình thức mua vé tàu qua mạng. Họ không cần ra ga, ra các cửa vé, chỉ cần một chiếc máy vi tính hay một chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet là có thể tự mình đặt vé, giữ chỗ hoặc thanh toán qua các website bán vé chính thức của ngành Đường sắt hay qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh và nhanh chóng sở hữu tấm vé tàu như ý, không phụ thuộc vào nhân viên bán vé.

Dẫu vậy, không ít hành khách vẫn phàn nàn, bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, vé tàu Tết quá đắt, lại có quá nhiều quy định như: Siết số lượng vé cho mỗi lần đặt chỗ; thời gian giữ chỗ, thanh toán ngắn hơn… Nhu cầu hành khách mua vé chặng ngắn lớn nhưng đường sắt “treo”, “giữ” chỗ, chỉ để dành bán chặng dài, khác nào “ép” khách phải mua chặng dài? Không ít người đặt nghi ngờ phải chăng có hiện tượng “ôm” vé, đầu cơ?

Một cán bộ đường sắt chia sẻ, nếu không siết các quy định như vậy, sẽ có không ít đối tượng đầu cơ “ôm” vé để bán lại với giá cao hơn rất nhiều. Khi không bán được, các đối tượng này lại “nhả” vé, trả về hệ thống.

Còn về giá vé, vị này thẳng thắn, Tết là dịp đường sắt bù đắp cho những kỳ thấp điểm trong năm. Đó là quy luật thị trường, dịch vụ nào “hot”, sản phẩm nào “hot” đương nhiên giá sẽ cao hơn. Dẫu vậy, cũng chỉ có vài ngày cao điểm sát Tết trong khi đợt vận tải Tết kéo dài cả tháng. Giá vé tàu những ngày không cao điểm thấp hơn, đi càng xa ngày “hot” càng rẻ nhưng lại không hút khách… Hơn nữa, cùng một chỗ, khi ưu tiên bán chặng dài sẽ thu được số tiền bán vé cao hơn, khách có nhu cầu đi chặng xa cũng có nhiều cơ hội mua vé hơn.

“Xưa nay, người dân quen nhìn nhận đường sắt là ngành dịch vụ công ích. Nhưng đường sắt cũng là ngành kinh doanh dịch vụ, phải thực hiện các giải pháp để kinh doanh hiệu quả, tăng doanh thu. Vì vậy, cần có cái nhìn thông cảm và công bằng hơn”, vị này nói.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-cai-nhin-cong-bang-hon-voi-duong-sat-d439747.html