Cần cải thiện chính sách để tăng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp
Chỉ trong chín tháng đầu năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Do những tác động khó lường của đại dịch, chưa khi nào chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm như hiện nay. Trợ cấp thất nghiệp đang trở thành điểm tựa của không ít người lao động trong điều kiện khó khăn về việc làm.
T
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Hệ lụy dẫn đến là nhiều người lao động (NLĐ) mất việc làm, thiếu việc làm, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) cho hay, tính đến hết tháng 11 năm 2020, cả nước đã có 1.056.803 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (800.489 người).
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.017.453, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2019 (778.971 người). Tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp theo quyết định là 18.292 tỷ đồng, với mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, số người được các trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.025.874 lượt người. Con số này tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ hơn 1,53 triệu lượt người.
- Với người sử dụng lao động (NSDLĐ): Để tạo điều kiện cho NSDLĐ có thể tiếp cận, đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29-5-2020sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Theo đó, giảm nhẹ quy định số lao động có nguy cơ bị cắt giảm và mở rộng trường hợp bất khả kháng để NSDLĐ được hỗ trợ.
- Với NLĐ: Do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tốc độ và phạm vi lây nhiễm cao, cần phải hạn chế tiếp xúc cộng đồng, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19của Chính phủ cho phép NLĐ được gửi hồ sơ đề nghị hưởng TCTN qua bưu điện và thông báo về việc tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp như (thư điện tử, fax, qua đường bưu điện,…) trong thời gian từ ngày1-4-2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn
Tuy nhiên, chỉ có gần 25 nghìn người được hỗ trợ học nghề, giảm khoảng 37,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Từ những kết quả này, có thể thấy, BHTN thực sự giúp NLĐ bảo đảm, duy trì cuộc sống; giúp NSDLĐ không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho NLĐ và giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí để hỗ trợ cho đối tượng này.
Cũng theo ông Trần Tuấn Tú, báo cáo từ các địa phương cho thấy, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, đặc biệt từ sau khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.
Theo thống kê của Cục Việc làm, tính đến hết tháng 11 năm 2020, đã có hơn 251 nghìn người được hỗ trợ học nghề. Kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này lên tới hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nằm trong dự tính phương án tài chính khi xây dựng chính sách BHTN trong Luật Việc làm.
Lý giải về nguyên nhân số người có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề không nhiều, ông Tú nhấn mạnh, trước hết, đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc NLĐ chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tâm lý chung của họ là dành thời gian kiếm sống tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến học nghề. Mặt khác, một số công ty ở các khu công nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, nên NLĐ có thể tìm kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác. Hoặc nếu có học nghề, NLĐ cũng chỉ được doanh nghiệp bố trí công việc và trả lương theo vị trí lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề đòi hỏi trình độ trung cấp trở lên của người tham gia. Thêm nữa, tại một số địa phương, NLĐ ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề,... Đồng thời, chưa thực hiện hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Do đó, chính sách này chưa hấp dẫn NLĐ tham gia học nghề.
Ngoài ra, NLĐ nghỉ việc có xu hướng chuyển về quê tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, hợp lý hóa gia đình.
Hiện nay, để tạo điều kiện đối với người thất nghiệp tham gia học nghề, Bộ LĐ-TB và XH đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN (thay thế quyết định 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014). Theo đó, mức hỗ trợ học nghề của NLĐ được đề xuất nâng lên so với quy hiện hành.
Ngoài ra, Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến chế độ hỗ trợ học nghề theo hướng nâng mức hỗ trợ, đa dạng các hình thức hỗ trợ, linh hoạt về thời gian hỗ trợ, cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính...; phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của NSDLĐ; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế về việc hỗ trợ học nghề cho NLĐ nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN.
Cục Việc làm cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2020, số người tham gia BHTN là 13,012 triệu người (giảm 417 nghìn người so với thời điểm hết năm 2019), tổng số thu BHTN là 15.136 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, NLĐ không có việc làm phải nghỉ việc dẫn đến số người tham gia giảm, số thu BHTN giảm.
Theo Trưởng phòng BHTN (Cục Việc làm) Trần Tuấn Tú, để đạt hiệu quả việc thực hiện BHTN trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và NLĐ, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Việc làm..
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN
Hệ thống thực hiện BHTN phải bảo đảm tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách BHTN là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả BHTN trong quá trình triển khai thực hiện. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh phù hợp các chức năng nhiệm vụ ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành bảo hiểm xã hội trong việc thu, chi, tiếp nhận giải quyết, quản lý Quỹ BHTN.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm. Vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề...
Thứ ba, nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHTN.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện những vấn đề phát sinh để hoàn thiện chính sách, pháp luật; đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN: hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN ở Trung ương, tiến tới điện tử hóa quá trình thu, chi BHTN theo chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán của Chính phủ; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm BHTN; thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan LĐ-TB và XH, BHXH, kế hoạch đầu tư, thuế, tài chính, đơn vị sử dụng lao động và NLĐ trong việc quản lý, thu thập, tổng hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin thị trường lao động, giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHTN; Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHTN, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện.