Cần cải thiện việc quản lý rác sinh hoạt

Hiện tại, các sở, ngành đang thực hiện điều chỉnh đơn giá thu gom, lập quy hoạch cụm công nghiệp tái chế, thúc đẩy tiến độ dự án đốt rác phát điện. Cùng với đó, các địa phương và đơn vị liên quan đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện, công nghệ nhằm cải thiện hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt (RSH).

Xử lý rác sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H.Lộc

Xử lý rác sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H.Lộc

RSH là vấn đề liên quan trực tiếp đến môi trường, an sinh xã hội, cần được quản lý theo hướng đồng bộ, dài hạn.

* Còn nhiều vướng mắc

Thời gian qua, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp nhưng công tác quản lý nhà nước về RSH vẫn còn nhiều tồn tại.

Về triển khai các khu xử lý rác theo quy hoạch, từ nhiều năm trước tỉnh đã quy hoạch 9 khu với 17 dự án xử lý chất thải nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ 4 khu tiếp nhận và xử lý RSH; các khu còn lại không tham gia hoặc không đủ điều kiện đấu thầu xử lý RSH. Hệ quả là rác dồn về một số khu xử lý gây quá tải cục bộ. Điển hình như Khu xử lý chất thải tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) nhận rác của 8/11 huyện, thành phố. Từ tháng 9-2022 đến tháng 12-2023, chủ đầu tư khu xử lý có khoảng 10 lần thông báo ngưng tiếp nhận rác của một số địa phương, giảm công suất vì không còn quỹ đất chôn lấp rác hợp vệ sinh.

Phương tiện thu gom, vận chuyển rác cũng là vấn đề nan giải. Mặc dù đã có chủ trương chuẩn hóa phương tiện, ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi tại Quỹ Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay hơn 50% xe chở rác chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển RSH. Điều này dẫn đến tình trạng rơi vãi rác, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển, phát tán mùi hôi.

Về trạm trung chuyển rác, trên địa bàn tỉnh hiện có 54 trạm nhưng đa phần chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng của Bộ Xây dựng (QCVN 01:2021/BXD), chưa đảm bảo việc lưu giữ các nhóm rác thải sau phân loại. Lý do là nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp, trong khi nhiều dự án cấp bách hơn như: tái định cư, đường giao thông, trường học… phải ưu tiên. Điều này vô hình trung tạo ra các điểm ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, mất mỹ quan.

Một nội dung khác cũng ì ạch là công tác phân loại RSH tại nguồn. Hoạt động này được tỉnh thí điểm thực hiện cách đây 15 năm, đến năm 2016 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4519/QĐ-UBND phê duyệt đề án Tổng thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; năm 2020 Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay ý thức của người dân với việc này chưa cao, tỷ lệ rác thải được phân loại còn thấp.

Hiện tại, Đồng Nai phát sinh hơn 2 ngàn tấn RSH/ngày. Với tốc độ tăng bình quân hơn 5%/năm, dự báo năm 2030 RSH tăng hơn 3,2 ngàn tấn/ngày, năm 2035 khoảng 4,2 ngàn tấn/ngày.

Bên cạnh đó là chậm điều chỉnh đơn giá thu gom RSH; hoạt động tái chế, tái sử dụng rác còn nhỏ lẻ; chậm đổi mới công nghệ xử lý chất thải…

* Quản lý theo hướng đồng bộ, dài hạn

Từ các tồn tại trên cho thấy, RSH cần được quản lý theo hướng đồng bộ, dài hạn. Đó là đồng bộ về trang thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển, công nghệ xử lý. Quy hoạch khu xử lý, triển khai đầu tư dự án và phân luồng rác về các khu xử lý phải đáp ứng công suất hiện tại và tương lai.

Trong tháng 12-2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3263/QĐ-UBND phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Chỉ thị số 21/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 về quản lý, bảo vệ môi trường. Trọng tâm của các quyết sách này là nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và các chỉ tiêu tỉnh đặt ra.

Thu gom rác sinh hoạt tại H.Thống Nhất

Thu gom rác sinh hoạt tại H.Thống Nhất

Chia sẻ về các giải pháp trong quản lý RSH, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả 8 giải pháp. Trong đó có nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường; triển khai đầu tư xây dựng các khu xử lý theo quy hoạch và đầu tư các trạm trung chuyển rác hiện đại, đảm bảo công suất, công năng; đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn; sớm hoàn thành thủ tục để đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu); nâng cao năng lực cho các cơ sở thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý rác bằng cách điều chỉnh giá, tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi…

Trong các lần làm việc với UBND tỉnh về môi trường trước đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh luôn nhấn mạnh, Đồng Nai đang hướng tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Do đó, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường phải đặc biệt quan tâm.

Về công tác bảo vệ môi trường, kiên quyết không để phát sinh các điểm ô nhiễm môi trường mới và xử lý triệt để các điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải nhận diện được các điểm ô nhiễm và có lộ trình xử lý dứt điểm. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó lưu ý xử lý rác thải phải từ gốc theo hướng phân loại, tái chế; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng rác chôn lấp.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/can-cai-thien-viec-quan-ly-rac-sinh-hoat-ea0581e/