Cần cấm người dân ra đường khi siêu bão Noru chuẩn bị đổ bộ
Với siêu bão mạnh như Noru, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp khuyến cáo nên cấm người dân ra đường trong thời gian bão chuẩn bị đổ bộ, để tránh gây thiệt hại về tính mạng.
Tại cuộc họp ứng phó với bão Noru của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chiều 25/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết theo nhận định ban đầu, đây là cơn bão lớn trong vòng 20 năm qua với cấp độ rủi ro thiên tai trên đất liền ở cấp 4.
"Với mức độ ảnh hưởng như dự báo, kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để ứng phó với bão", ông Hiệp đề xuất.
Chuẩn bị sẵn sàng lương thực trong 7 ngày
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần lên phương án cụ thể sơ tán người dân ứng với kịch bản từng cấp bão, đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm thiết yếu.
"Nếu bão mạnh đến cấp 13 trên đất liền, tập trung người dân ở trường học chưa chắc đã an toàn. Vì vậy, cấp cơ sở cần rà soát kỹ nơi tránh trú đảm bảo trên địa bàn", ông Hiệp khuyến cáo.
Bên cạnh việc cấm biển, ông Hiệp đề nghị địa phương xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ. Vì những khu vực này khi có mưa lớn, đường quốc lộ, đường sắt gần như bị ngập lụt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng với cơn bão mạnh như Noru, nên cấm người dân ra đường trong thời gian bão chuẩn bị đổ bộ, để tránh gây thiệt hại về tính mạng người dân khi gió giật sập các biển quảng cáo, mái tôn...
"Đồng thời, với những cơn bão mạnh đến cấp 13, kinh nghiệm cho thấy chắc chắn sẽ gây chia cắt đường đi, liên lạc. Do vậy, lực lượng tại chỗ cần chủ động, sẵn sàng trang bị phương tiện, lương thực thực phẩm, thuốc men... tối thiểu đủ dùng trong 7 ngày", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất.
Bão cấp 13 có thể thổi bay nhà cấp 4
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định Noru là cơn bão lớn nhất trong 5 năm trở lại đây có thể ảnh hưởng đến miền Trung.
"Như nhận định, với diễn biến bão di chuyển nhanh và cường độ mạnh đến cấp 13 trên đất liền thì có thể làm sập, thổi bay nhà cấp 4, làm nguy hiểm đến tính mạng người dân. Do đó, địa phương cần khảo sát để tính phương án di chuyển người dân đến nơi an toàn", theo yêu cầu của Phó thủ tướng.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng cần tham khảo các mô hình dự báo quốc tế để cập nhật, đưa ra dự báo về mức độ ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này đến đất liền.
Về đề xuất thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão, Phó thủ tướng yêu cầu đơn vị chức năng sớm gửi hồ sơ, bao gồm các đề xuất về thành phần, địa điểm đặt trụ sở, để Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất trong trưa mai (26/9).
Ngoài ra, Phó thủ tướng quán triệt các địa phương dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão tạm dừng hoặc hoãn một số cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó.
Trước mắt, lãnh đạo các tỉnh, thành phố liên quan cân nhắc thời gian cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi và thống nhất một khung thời gian cố định để áp dụng. Phó thủ tướng đề nghị thời gian cấm biển có thể vào 6h sáng 26/9.
Theo số liệu báo cáo, hiện còn hơn 900 tàu vận tải hàng hóa, 551 phương tiện thủy nội địa ven biển. Do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Quốc Phòng, Bộ GTVT phối hợp có phương án rà soát đưa tàu về, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng về bờ rồi vẫn bị lật thuyền.
Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt sức gió mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 và ở cấp siêu bão. Sau khi vào đất liền, bão giảm 1-2 cấp do ma sát với địa hình.
Dù vậy, sau khi vào Biển Đông, hình thái này được dự báo mạnh trở lại và mạnh nhất ở thời điểm đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, sức gió mạnh nhất tới cấp 13-14, giật cấp 16.
“Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì sức gió mạnh cấp 13 và có thể ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14”, ông Thái thông tin và cho biết đây dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.
Trước mắt, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ, tương đương trên 868.000 người. Trong đó, địa phương trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán trên 93.000 hộ với khoảng 369.000 người, tùy theo diễn biến của bão.