Cần cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi

Qua 5 tháng rưỡi Dịch tả lợn châu Phi diễn ra, tổng thiệt hại đàn lợn là trên 3 triệu con trên tổng số hơn 30 triệu con vào khoảng 9-10%. Cần có những biện pháp cân đối thị trường các sản phẩm chăn nuôi để đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng và không xảy ra khủng hoảng thừa hoặc thiếu thực phẩm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là những trao đổi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về tình hình kiểm soát Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và các biện pháp để cung cấp thực phẩm cho thị trường những tháng cuối năm.

Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết các giải pháp chung trong phòng chống DTLCP hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Biện pháp tổng thể nhất hiện nay là thực hiện an toàn sinh học. Một là nhóm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt an toàn sinh học. Nhóm hộ thứ hai trang trại chăn nuôi quy mô lớn càng phải thực hiện nghiêm túc, nghiêm khắc giải pháp này. Thực tiễn chứng minh, nếu làm an toàn sinh học tốt, bệnh này không thể xâm nhập vào được đàn lợn.

Số đàn lợn chết chủ yếu ở hộ nhỏ lẻ những nơi rất khó làm an toàn sinh học. Còn những hộ lớn thì hiện nay vẫn giữ nguyên được. Giải pháp an toàn sinh học ở tất cả từng khâu, từng đoạn, chúng ta sẽ góp phần ngăn chặn dịch này. Thứ hai là tích cực thúc đẩy các nhóm giải pháp khác. Nghiên cứu vắc xin thì bước đầu có kết quả.

Tình hình DTLCP hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào về việc cung ứng sản phẩm thịt lợn cho những tháng cuối năm, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước tình hình DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ đầu chúng tôi đã dự báo trước nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn. Điều đó kéo theo “rổ thực phẩm chung” thiếu những sản phẩm này. Vì vậy, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có giải pháp cùng với các địa phương phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại.

Một là tập trung phát triển gia cầm, tính chung 6 tháng đầu năm đã tăng 7,2% nhóm sản phẩm này. Thứ hai là nhóm đại gia súc phải thúc đẩy nhanh. Thứ ba là thủy sản.

Để phát triển ba nhóm sản phẩm chăn nuôi này, cụ thể Bộ NN&PTNT đã có những biện pháp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Để phát triển 3 nhóm thực phẩm này phải hết sức chú ý 3 nguyên tắc. Nguyên tắc đầu tiên là phải tổ chức xây dựng chuỗ an toàn. Thứ hai là đảm bảo cân đối cung cầu chứ nếu không cục bộ phát triển lại quá thừa. Doanh nghiệp lớn được phát triển tới đâu để phù hợp với thị trường. Nguyên tắc thứ ba là phải tạo sinh kế cho người bị thiệt hại chăn nuôi lợn có việc làm mới.

Chúng tôi cũng sẽ có khuyến nghị rõ hơn tới đây nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn, làm chủ được công nghệ hoàn toàn trong quy trình an toàn sinh học thì phát triển; tiếp tục gia tăng đàn. Những nơi qua 30 ngày đảm bảo an toàn sinh học, kiểm tra cả môi trường xung quanh, cả điều kiện ý thức của dân, mối liên kết có doanh nghiệp… thì những chỗ đó có thể phát triển lại được.

Chúng tôi cũng kiên quyết bằng nhiều biện pháp để thực hiện cho được mục tiêu từ nay đến cuối năm không để "sốt" thực phẩm. Cùng với đó, nhanh chóng bằng nhiều giải pháp tạo sinh kế mới. Chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để khi không nuôi lợn chuyển sang sinh kế khác, người dân phải được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, điệu kiện vật chất…

Vào tháng 10 tới Bộ NN&PTNT tổng kết chiến lược chăn nuôi 10 năm (2008-2018), để chuẩn bị cho những năm tới cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Chúng ta cần phân tích kỹ thị trường trong nước và thế giới, thích ứng được với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn sinh học… thay vì quá tập trung một sản phẩm có nguy cơ cao như thời gian qua.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đỗ Hương (Thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/can-can-doi-thi-truong-san-pham-chan-nuoi/370467.vgp