Cần cân nhắc kỹ kẻo 'lợi bất cập hại'

Trong đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, 8 đơn vị vận tải (ĐVVT) đang khai thác 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam cho rằng: Việc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng đề xuất chuyển vị trí điểm đầu-cuối các tuyến buýt liền kề ra ngoại thành là bất hợp lý, gây khó khăn, tốn kém cho cả Nhà nước, hành khách và ĐVVT, đồng thời càng gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông (ATGT)…

Vì sao các doanh nghiệp vận tải kêu cứu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam và ngược lại, do 8 ĐVVT khai thác, không được Nhà nước trợ giá. Sở GTVT TP Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt liền kề ra ngoại thành với lý do các xe buýt này có nhiều hạn chế và vi phạm; chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, dịch vụ kém. Mặt khác, TP Đà Nẵng đã có quy hoạch xe buýt giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt liền kề giữa Đà Nẵng-Quảng Nam (và ngược lại) không đi vào nội thành. Sau khi đưa vào khai thác thêm 6 tuyến buýt được trợ giá, sẽ đề xuất điều chỉnh các tuyến buýt liền kề không vào nội thành Đà Nẵng từ đầu năm 2020.

Trước chủ trương trên, 8 ĐVVT đang khai thác 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam đã gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đề nghị được giữ nguyên lộ trình 5 tuyến buýt này, bởi từ hơn 20 năm trước, khi lĩnh vực GTVT của Quảng Nam, Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, họ đã tiên phong đi đầu, mạnh dạn đầu tư mua sắm phương tiện kinh doanh vận tải buýt liền kề trên 5 tuyến kết nối trung tâm TP Đà Nẵng với các địa phương ở Quảng Nam. Sau nhiều năm hoạt động, 5 tuyến buýt này đã tạo được thói quen đi lại của người dân, rất thuận lợi cho những người thường xuyên đi học, đi làm, phục vụ khách du lịch, đi khám, chữa bệnh… Với lưu lượng vận chuyển bình quân hơn 8.300 lượt hành khách/ngày, 5 tuyến buýt đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và khách du lịch, giảm nhiều phương tiện cá nhân lưu thông, góp phần giảm ùn tắc và bảo đảm ATGT, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động...

 Xe buýt tuyến 04 (Đà Nẵng-Tam Kỳ) đón-trả khách tại điểm dừng trên đường Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Xe buýt tuyến 04 (Đà Nẵng-Tam Kỳ) đón-trả khách tại điểm dừng trên đường Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Bên cạnh đó, việc đề xuất đưa các tuyến buýt liền kề ra cách nội thành Đà Nẵng hơn 10km sẽ có nhiều bất hợp lý: Hành khách muốn đi lại giữa Quảng Nam-Đà Nẵng phải qua hai lần đón xe, hai lần mua vé, vừa tốn tiền, vừa mất thêm nhiều thời gian; chưa kể người già yếu, tàn tật thì càng bất tiện; đồng thời còn khiến phương tiện cá nhân lưu thông tăng cao, tạo điều kiện cho “xe dù” hoạt động (vì nhiều người có nhu cầu đi tuyến này), gây ùn tắc giao thông và thêm mất trật tự ATGT. Như vậy là đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc phải tổ chức thêm các tuyến buýt để kết nối từ nội thành ra ngoại thành, dùng ngân sách để trợ giá còn gây tốn kém không cần thiết và khiến lượng phương tiện tăng thêm. Bên cạnh đó, Quảng Nam, Đà Nẵng vốn là một, nhu cầu đi lại thăm thân, giao lưu tình cảm giữa hai địa phương rất lớn. Nếu phải mất nhiều chặng xe, vài lần mua vé mới đến được với nhau thì người dân không khỏi rầu lòng...

Những kiến nghị cần xem xét kỹ

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam ngày 5-11-2019, đại diện 8 ĐVVT vận hành 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam khẳng định, Sở GTVT TP Đà Nẵng lấy lý do 5 tuyến buýt này xe đã cũ và chất lượng phục vụ kém nên phải đưa ra ngoại thành là không thuyết phục, vì nếu phục vụ kém thì hành khách sẽ tẩy chay, trong khi đó các tuyến buýt này vẫn đông khách. Còn việc xe xuống cấp cũng vì mấy năm qua Sở GTVT TP Đà Nẵng cứ đề xuất chuyển tuyến buýt liền kề ra ngoại thành nên chẳng đơn vị nào dám đầu tư xe mới. Các ĐVVT đã đề nghị được giữ nguyên lộ trình 5 tuyến buýt không trợ giá và cam kết thay những xe cũ, nâng chất lượng phục vụ; chấp nhận cạnh tranh với xe buýt được thành phố trợ giá, loại hình nào hoạt động tốt hơn sẽ được hành khách ủng hộ… nhưng Sở GTVT TP Đà Nẵng không trả lời, cũng không tổ chức gặp gỡ các ĐVVT để giải thích, nắm tình hình hay rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các vi phạm (nếu có). Xe buýt nào vi phạm thì cơ quan chức năng cứ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, sao lại cấm tất cả xe buýt liền kề vào nội thành để gây khó khăn cho người dân và các tài xế, chủ xe?

Để có cái nhìn khách quan, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã hỏi ý kiến Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về sự việc trên. Cả hai vị lãnh đạo ngành vận tải đều cho rằng, nguyên tắc tổ chức vận tải cũng phải theo quy luật cung-cầu; xe buýt liền kề có điểm đầu-cuối trong nội thành sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tạo tiện lợi cho hành khách đi lại an toàn, tiết kiệm và qua đó giảm phương tiện lưu thông, bớt ùn tắc giao thông. Việc chậm giờ và phải chuyển xe nhiều lần là nguyên nhân chính khiến mọi người ngại đi xe buýt.

Về phía người đi xe buýt, qua tìm hiểu chúng tôi thấy họ đều mong muốn các tuyến buýt Đà Nẵng-Quảng Nam tiếp tục được vào nội thành Đà Nẵng như hơn 20 năm qua, nhưng cần thay xe mới. Anh Lê Văn Hùng ở số nhà 778 Phan Chu Trinh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đang làm việc tại Trường Đại học Duy Tân trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Đà Nẵng) khẳng định: “Tôi cùng hàng nghìn người ở Quảng Nam hằng ngày đi học, đi làm ở nội thành Đà Nẵng bằng xe buýt rất thuận tiện. Chiều ngược lại là hàng nghìn người từ nội thành Đà Nẵng thường xuyên đi xe buýt về Quảng Nam làm việc. Chưa kể tuyến buýt này có rất nhiều người đi du lịch, khám bệnh, mua sắm, thăm bà con… Nếu Đà Nẵng chuyển xe buýt liền kề ra ngoại thành thì tôi và nhiều người phải tự đi xe máy mới kịp giờ làm, có người sẽ phải bỏ việc. Nói chung là hành khách đi xe buýt Đà Nẵng-Quảng Nam đang rất hoang mang vì việc chuyển xe buýt ra ngoại thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi học, đi làm, mưu sinh của họ và cả gia đình”.

Sinh viên Trần Nguyễn Thị Hiền (số nhà 29, Trần Huy Liệu, TP Tam Kỳ) và nhóm bạn học cùng, sau khi bày tỏ lo lắng sẽ không thể kịp giờ học nếu phải đi hai tuyến buýt đến Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đã tha thiết đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến nhân dân xem có nên chuyển xe buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam ra ngoại thành không, để từ đó có quyết định phù hợp chứ không nên chủ quan áp đặt.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có Văn bản số 117/HHVT gửi Sở GTVT TP Đà Nẵng, nêu rõ: Tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông, nhất là tại các đô thị lớn là một chủ trương cần khuyến khích. Muốn thu hút người dân đi xe buýt thì các tuyến buýt phải được kết nối đến các địa điểm trong nội thành để thuận lợi cho hành khách đi lại... Nếu đưa điểm đầu, điểm cuối của 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam ra cách trung tâm TP Đà Nẵng gần 11km là không phù hợp với mục tiêu tổ chức hoạt động của xe buýt, vì sẽ phải thêm một lượng phương tiện khác đưa hành khách từ bến xe vào thành phố và ngược lại, tăng thêm ùn tắc, tăng chi phí và thời gian đi lại của người dân. Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Sở GTVT TP Đà Nẵng giữ nguyên lộ trình 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng-Quảng Nam để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

HUY QUANG - NGUYỄN TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-can-nhac-ky-keo-loi-bat-cap-hai-602506