Cán cân thương mại của Nhật Bản bất ngờ đảo chiều trong tháng 7/2024
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.200 tỷ yen, trong khi xuất khẩu tăng 10% lên 9.600 tỷ yen (66 tỷ USD).
Theo số liệu được công bố ngày 21/8, Nhật Bản đã ghi nhận thâm hụt thương mại 621 tỷ yen (4,3 tỷ USD) vào tháng Bảy, do giá hàng nhập khẩu tăng vọt.
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.200 tỷ yen, trong khi xuất khẩu tăng 10% lên 9.600 tỷ yen (66 tỷ USD).
Nhập khẩu tăng đối với mặt hàng thịt và thực phẩm khác, cũng như sắt, cho thấy nền kinh tế trong nước tương đối khỏe mạnh, khi chi tiêu tiêu dùng cải thiện nhờ lương tăng.
Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ, Trung Quốc và Brazil (Bra-xin) tăng, nhưng xuất khẩu ô tô tiếp tục gặp khó khăn giữa lúc bê bối gian lận trong thử nghiệm xe làm đình trệ hoạt động sản xuất tại một số công ty, trong đó có nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản Toyota Motor Corp.
Xuất khẩu tháng Bảy của Nhật Bản tăng so với một năm trước đối với các mặt hàng nhựa, sản phẩm giấy và linh kiện máy tính. Ông Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ING Economics, nhận định xuất khẩu của Nhật Bản gia tăng mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế nước này đang trên đà phục hồi.
Dù Nhật Bản ghi nhận thặng dư thương mại vào tháng Sáu, nhưng nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này đã thâm hụt thương mại trong sáu kỳ nửa năm tài chính liên tiếp, bắt đầu từ nửa cuối năm 2021. Năm tài chính của Nhật Bản kéo dài từ tháng Tư năm trước đến tháng Ba năm sau.
Số liệu tháng Bảy thể hiện một sự đảo ngược so với tháng Sáu. Đồng yen yếu tác động tiêu cực đến với nhập khẩu của Nhật Bản, nhất là giữa xu hướng lạm phát và giá cả tăng trên toàn cầu, trong đó có giá năng lượng. Nhật Bản, một quốc gia nghèo tài nguyên, hiện phải nhập khẩu gần như tất cả năng lượng của mình. Gần đây, giá năng lượng đang biến động do tình hình bất ổn ở Trung Đông.
Ông Daisuke Karakama, chuyên gia kinh tế thị trường của ngân hàng Mizuho Bank, tin rằng tình hình thâm hụt thương mại nói trên không chỉ phản ánh sự suy yếu của đồng yen, mà còn thể hiện những xu hướng mới như chi tiêu của người dân Nhật Bản cho các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) kỹ thuật số ở nước ngoài.
Chuyên gia này lưu ý rằng nhiều nhà giao dịch đang tìm cách bán đồng yen, chứ không phải mua vào. Trước đó trong năm nay, đồng USD đã tăng lên mức 160 yen đổi 1 USD, nhưng gần đây đã ổn định và giao dịch ở mức khoảng 145 yen/USD trong phiên 21/8.
Sự biến động của tỷ giá, như những gì đã diễn ra trong những tuần gần đây, là do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, thị trường đang dồn sự chú ý vào động thái sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Fed được dự đoán sẽ hạ lãi suất trong tháng tới, trong khi BoJ đang tìm cách tăng dần lãi suất sau khi duy trì ở mức cực thấp trong nhiều năm qua.