Cận cảnh bãi gỗ khai thác trái phép khiến rừng già Quảng Nam tan nát
Những loài gỗ quý hiếm, hằng trăm năm tuổi bị 'lâm tặc' ngang nhiên tàn phá, tuy nhiên, chính quyền, cơ quan chức năng không hề hay biết.
Những ngày cuối tháng 11/2019, PV lần theo những thông tin phản ánh của người dân địa phương thâm nhập vào khu rừng phòng hộ ở xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) ghi nhận những hình ảnh những cây rừng cả trăm tuổi bị chặt hạ, tàn phá không thương tiếc diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên, chính quyền và đơn vị quản lý khu rừng này không hề hay biết.
Đi khoảng 1km từ vị trí quốc lộ 40B (điểm trường mầm non thôn 5, xã Trà Giác), rồi băng qua khu vực trồng cây gỗ keo giáp với rừng phòng hộ, PV dễ dàng chứng kiến khung cảnh những phách gỗ lớn nằm la liệt chất đầy cả một góc đồi. Tại đây, PV kiểm đếm sơ bộ thì có khoảng 16 phách gỗ dài khoảng 3m, rộng 40cm; 5 phách dài 5m, rộng 15cm được tập kết...Toàn bộ số gỗ này có dấu vết cắt xẻ còn rất tươi mới, nhựa cây ứa ra đỏ tươi. Dấu vết cây bui, lối mòn còn in rõ trên từng lối đi mà các đối tượng sử dụng vận chuyển gỗ đã khai thác.
Lần theo lối mòn, PV đi sâu vào cánh rừng phòng hộ, tại đây, PV chứng kiến khung cảnh cánh rừng bị tan hoang thật khủng khiếp. La liệt các cây gỗ lớn bị chặt hạ, trơ gốc nhựa chạy tươi mới đỏ như máu, những đóng mùn cưa nằm chất đống khắp các gốc cây, phách gỗ, bìa cây nằm ngổn ngang khắp cả vạt rừng. Cây cối xung quanh đổ gảy, tan nát. Nhiều cây khác vừa đốn hạ, phân thành khúc chưa được cưa xẻ nằm la liệt dưới tàn cây rừng.
Cách đó không xa, những nhiều vạt rừng đã bị "xẻ thịt" dấu vết đã cũ, cây cối xác xơ. Cảnh tượng những cây cổ thụ, gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc thật thật khủng khiếp.
Theo người dân địa phương, việc khai thác gỗ trái phép ở khu vực này diễn ra trong nhiều tháng qua. một số người mang cưa máy, trâu kéo đến khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ thuộc thôn 5, xã Trà Giác. Đây là khu vực do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My) quản lý.
Ông Phạm Xuân Bách, Chủ tịch xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My) xác nhận đây là khu rừng phòng hộ. Khu rừng được Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh (Quảng nam) ký hợp đồng với người dân giao khoán bảo vệ. Chính quyền có nhiệm vụ phối hợp để quản lý, trách nhiệm chính thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh.
Ông Bách, ở khu vực này, người dân địa phương có sử dụng gỗ làm nhà, tuy nhiên họ lấy gỗ trong quanh vườn không lên rừng chặt. "Từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương chưa phát hiện một vụ phá rừng nào xảy ra", ông nói.
Trao đổi vấn đề này, ông Hồ Tất Thiện, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh - đơn vị quản lý bảo vệ rừng, cho hay, hiện nay đơn vị chưa nắm được sự việc phá rừng ở Trà Giác.
"Đơn vị sẽ kiểm tra, xác minh khu vực rừng bị khai thác trái phép, sau đó sẽ có phương án đề nghị hướng xử lý cụ thể", ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh thực hiện quản lý hơn 13.000 ha rừng phòng hộ. Tại xã Trà Giác có một trạm bảo vệ rừng và một tổ cộng đồng của người dân quản lý. Mỗi năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh chi trả tiền cho người dân với mức từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng/ha từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo sự thống kê của PV, trong năm 2019, tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã phát hiện nhiều vụ phá rừng xảy ra. Cuối tháng 3, tại xã Trà Bui lâm tặc dùng cưa máy vào rừng phòng hộ Sông Tranh chặt hạ 20 cây gỗ. Trong đó có hai cây gỗ chò, còn lại là gỗ chuồn với khối lượng hơn 17 m3.
Đầu tháng 8, 18 cây gỗ rừng tự nhiên thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 781 (thôn 1, xã Trà Kót) bị chặt hạ. Tại hiện trường gồm 38 lóng gỗ tròn, khối lượng gần 21 m3, gỗ đã xẻ có 17 tấm với khối lượng hơn 3 m3.
Cuối tháng 8, 10 cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên xã Trà Nú bị đốn hạ. Số gỗ còn nằm lại hiện trường còn 13 khúc gỗ tròn, khối lượng gần 9 m3; 46 tấm gỗ xẻ, khối lượng hơn 2 m3.
>>>>>Những hình ảnh về cánh rừng phòng hộ Sông Tranh bị đốn hạ, tàn phá mà PV ghi nhận được: