Cận cảnh bờ kè tiền tỷ 'tự hỏng', vỡ toang hoác tả tơi chỉ sau 3 tháng xây dựng
Một công trình kè bê tông chống sạt lở trị giá tiền tỷ tại huyện Phú Vang (tỉnh TT-Huế) xây dựng từ 3 tháng trước, chưa nghiệm thu bàn giao, nhưng đến nay đã đứt gãy, nứt vỡ toang hoác, 'tự hỏng' tả tơi, mất khả năng 'chống sạt lở' nghi do khâu thiết kế và thi công ẩu.
Tháng 8/2019, công trình dự án kè Hói Rột (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) được khởi công xây dựng. Chủ đầu tư công trình là UBND xã Phú Thượng.
Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Vang chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, còn Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phú Hưng đóng vai trò tư vấn giám sát, thiết kế công trình có trị giá 1,7 tỷ đồng này. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng An Phát (đóng tại xã Phú Thượng).
Mặc dù đây chỉ là công trình xây dựng thông thường (kè kết hợp đường giao thông nông thôn) không thuộc địa bàn phức tạp, xung yếu của thiên tai, nhưng chỉ sau vài tháng triển khai, hoạt động thi công bất ngờ ngưng trệ không rõ lý do.
Đáng chú ý, bờ kè tiền tỷ đã "tự hỏng", với nhiều vệt đứt, vết nứt vỡ toang hoác trên các khối bê tông to lớn chỉ sau 3 tháng hình thành. Những mảng bê tông bờ kè có tính liên kết thiếu ổn định, bị xô lệch, sụt lún nhiều đoạn.
Theo quan sát, chỉ ở một đoạn kè chừng 15m đã có đến 6 điểm đứt, nứt từ chân kè kéo lên tận mặt đỉnh, tạo nên những khoảng hở toang hoác. Ở một số đoạn kè khác, các khối bê tông không còn liên kết với nhau theo trục thẳng, mà nghiêng lệch ra phía con hói. Thậm chí, một đoạn kè đã bị “rơi rụng” hết phần bê tông phủ vỏ phía phần đỉnh…
Theo ông Lê Văn Phụng, trưởng thôn Trung Đông, ở những đoạn kè có đóng cừ dày, gia cố chân móng kỹ rồi mới xây thân kè, công trình vẫn đảm bảo, không bị nứt. Tuy nhiên, càng đi vào sâu bên trong, chất lượng công trình quá tệ, nhiều đoạn kè bị nứt và xô lệch ra hói rất đáng lo ngại.
Mặt khác, từ khi khởi công kè Hói Rột kết hợp làm đường, người dân thôn Trung Đông gọi đây là “con đường đau khổ” bởi tình trạng sình lầy thường xuyên, do nhiều xe cộ vào ra phục vụ công trình gây nên.
Công trình dự án kè do bị ngưng trệ khiến đường đi của nhiều hộ dân cũng bị bỏ mặc trong bùn lầy. “Mấy đợt mưa vừa rồi, chúng tôi “bơi” trong bùn lầy thường xuyên, nên yêu cầu nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục con đường này. Đấu tranh mãi, đơn vị thi công mới chịu đổ đất lu lèn chặt phần mặt đường để dân còn có thể ra vào được nhà mình mỗi ngày”, một người dân than vãn.
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, công trình ngừng thi công nhiều tháng nay do hạng mục thân kè rất yếu, trời mưa liên tục khiến nền đất bên dưới không ổn định.
“Kè bị nứt khi đang thi công có thể do nguyên nhân ở khâu thiết kế. Kè có đoạn cao gần 3m, nhưng thiết kế tiêu chuẩn mác xi măng chỉ 150, kè không có sắt giằng ngang bên trong, bị nước ngầm và nền đất yếu tác động làm cho một số đoạn bị nứt, bị xô đẩy ra phía hói. Nếu tiếp tục cho xe cơ giới vào đổ đất thi công có thể khiến thân kè tiếp tục nứt và sụp đổ”, ông Toàn lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và xây dựng An Phát, khẳng định rằng, nhà thầu khi xây kè phải tuân thủ theo thiết kế, nhưng ở đây do tiêu chuẩn thiết kế mác bê tông quá thấp, khả năng chịu lực kém khiến bờ kè nhanh chóng bị đứt gãy, xô lệch. Trước khi thi công, nhà thầu đã có ý kiến về vấn đề tiêu chuẩn xi măng mác 150 này nhưng không được điều chỉnh.
Theo ông Thạnh, thông thường loại bê tông xi măng dùng xây kè phải đạt tiêu chuẩn mác 250 trở lên. Đại diện nhà thầu cho biết, họ sẵn sàng đập bỏ bờ kè kém chất lượng này để xây lại công trình mới, nếu cơ quan chức năng kết luận lỗi do đơn vị thi công.