Cận cảnh các sĩ tử đội mưa to vái vọng ở Văn Miếu trước kỳ thi THPT
Trước kỳ thi THPT năm 2021, nhiều phụ huynh cùng sĩ tử đội mưa đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để vái vọng, cầu may mắn, mong đạt điểm cao.
Sáng 5-7, dù cơn mưa nặng hạt nhưng có khá đông phụ huynh, thí sinh có mặt tại cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để vái vọng, hành lễ, thậm chí đốt vàng mã với mong muốn có thể đạt được điểm cao và vào được trường mình mong muốn.
Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu may mắn cho con, chị Phạm Thu H. cho biết: "Do năm nay đang dịch Covid-19 nên tôi thành tâm là chính. Tôi tâm niệm là "phúc đức tại mẫu", làm đúng cái tâm của người mẹ. Chuẩn bị đến kỳ thi, tôi động viên con tập trung để ôn cho tốt. Lần này tâm lý tôi khá thoải mái bởi dù gì cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, hy vọng con không đỗ trường top 1 thì cũng đỗ trường top 2".
Đang vái vọng bên ngoài cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nữ sinh Mai A. chia sẻ: "Hôm nay em cùng các bạn tới Văn Miếu thắp hương, hy vọng rằng bản thân sẽ luôn bình tĩnh trong cuộc thi này. Cho đến thời điểm hiện tại, em đã ôn tập các kiến thức khá kỹ càng, tuy nhiên thi cử khó nói trước được điều gì".
Còn theo nữ sinh Tô Thanh H. (trường Quốc tế Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc), em cùng các bạn đi hơn 20 km từ Đông Anh đến đây để cầu may mắn, mong kỳ thi tốt nghiệp THPT được suôn sẻ. Em cầu thi đỗ nguyện vọng 1 trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra ngày 7 và 8-7 với sự tham dự của trên 1 triệu thí sinh. Thí sinh phải làm 4 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc tổ hợp Khoa học xã hội.
Các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng bài thi môn ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận. Dự kiến đến ngày 26-7 sẽ công bố điểm thi.
Hình ảnh ghi nhận tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào sáng 5-7:
Bi hài sĩ tử khấn vái bia "Hạ mã" để cầu may
Trước đó, những ngày qua, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến được rất nhiều thí sinh yêu thích dù di tích này vẫn đóng cửa để chống dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của phóng viên, các thí sinh và người nhà chọn cách vái vọng từ cổng di tích. Nhiều người cầm trên tay thông tin về ngày thi, địa điểm, số báo danh, phòng thi khấn xin may mắn. Nhiều em còn mang sẵn các mẩu giấy nhỏ ghi tên các bài văn trong đề cương để gieo quẻ bốc thăm, chọn "bài tủ" theo sự mách bảo của thần linh.
Đặc biệt, không ít thí sinh thắp hương quỳ lạy khấn vái ở bia "Hạ mã" ngay trước cổng Văn Miếu khiến nhiều chuyên gia văn hóa phải lên tiếng sao lại khấn biển giao thông trước khi đi thi?
Theo các chuyên gia, hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ "Hạ mã", có nghĩa là xuống ngựa. Bia do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771.
Xưa kia, bia " Hạ mã" cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Bia "Hạ mã" được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền.