Cầu ngói Thanh Toàn nằm cách thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông Nam. Cây cầu bắc qua một con hói chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn (đời Thiệu Trị trùng tên húy nên vua đổi ra Thanh Thủy).
Theo sử sách ghi lại, cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng vào năm 1776. Cầu này do một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo (vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông) cúng tiền cho làng xây dựng để dân làng qua lại và lữ khách phương xa dừng chân lỡ bước, nghỉ ngơi.
Cầu được thiết kế bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu “Thượng gia, hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), có chiều dài 17 mét và chiều rộng 4 mét, chia làm 7 gian, phần mái được trang trí hình rồng với nghệ thuật khảm sành độc đáo, hai bên cầu có dãy bục gỗ và lan can để du khách, người dân ngồi nghỉ ngơi.
Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Cây cầu ngói này đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia vào tháng 7/1990.
Vào tháng 4/2020, Cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo. Công trình này do Hội Di sản văn hóa Việt Nam thiết kế, Công ty Cổ phần tu bổ di tích Huế thi công. Chủ đầu tư là Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy.
Trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan tiến hành hạ giải toàn phần công trình, gia công các cấu kiện sắt, đổ bê tông cốt thép phần móng, mố trụ cầu.
Sau phần đánh giá hiện trạng của các cấu kiện gỗ theo các quy chuẩn, quy định và nguyên tắc về bảo tồn, đơn vị thi công tiến hành tu bổ. Các họa tiết bị hư hỏng sau thời gian dài sử dụng đã được tu bổ, tôn tạo.
Sau khi hoàn thành việc tu bổ, nhiều người dân, du khách đã đến cây cầu này để tham quan, chụp ảnh.
Hoàng Dũng