Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp tới thăm Trạm quản lý đường thủy Ba Mom (tại Hoàng Tân, TX Quảng Yên, Quảng Ninh) trên vịnh Hạ Long. Nhà trạm nằm trên đảo đá Ba Mom thuộc khu vực vịnh Hạ Long, là trạm duy nhất của phía Bắc nằm biệt lập trên một đảo đá.
Theo một cán bộ Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, Trạm quản lý đường thủy Ba Mom được đặt tại vị trí từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1954, trạm tiếp tục được duy trì vì đây là cửa ngõ quan trọng, tàu thuyền từ các tỉnh vào vịnh Hạ Long đều phải đi qua đây. Hiện nay, trạm là nơi trực bảo đảm an toàn giao thông và kiểm tra luồng tuyến, duy tu, bảo dưỡng hệ thống biển báo, phao tiêu.
Từ dưới biển lên đến nhà trạm, có 98 bậc cầu thang. Chiều cao từ bậc cuối sát biển lên đến phòng làm việc tương đương tòa nhà 5 tầng.
Trong cụm công trình nhà trạm, có hai công trình được xây dựng vào năm 2001 là lớp học và phòng sơ cứu. Đây là hai công trình được Quỹ Cộng đồng của Canada tài trợ.
Lớp học được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ trông nom, xóa mù chữ cho con em người dân vạn chài. “Thầy giáo” đứng lớp chính là một công nhân của trạm, dạy các cháu. Tuy nhiên, được vài tháng thì khu vực biển xung quanh ít tôm, cá, bà con vạn chài lại di chuyển sang khu vực khác nên lớp học đóng cửa.
Nhà sơ cứu gồm 2 tầng. Tầng 2 là phòng sơ cứu và tầng 1 đang dùng để làm bếp và nhà vệ sinh. Trong đó, phòng sơ cứu để phục vụ công nhân trên trạm, người dân vạn chài xung quanh và người đi tàu qua khu vực. Theo các công nhân của trạm, bình thường bà con vạn chài cần một số thuốc thiết yếu cũng đến lấy thuốc và việc sơ cứu, đưa người bị thương, bị đau ốm, cần đi cấp cứu gấp cũng do anh em của trạm thực hiện. Phòng sơ cứu được duy trì khoảng 6-7 năm, sau không có nguồn tài trợ nên không có kinh phí duy trì, trải qua năm tháng ngày càng xuống cấp và hiện cũng không còn được sử dụng.
Riêng nhà trạm hiện nay, ông Nguyễn Văn Tính – trạm trưởng Trạm quản lý đường thủy Ba Mom cho biết, theo các công nhân đã từng làm nhiệm vụ tại đây, công trình được xây dựng từ năm 1969, đến năm 1971 thì hoàn thành. Nhà trạm có nhiều phòng như phòng sinh hoạt cho công nhân trực trạm, phòng thể thao, phòng làm việc.
Dù công trình được xây dựng đã hơn nửa thế kỷ và trải qua những đợt sửa chữa, nhưng tới nay vẫn giữ được kiến trúc độc đáo, mang phong cách kiến trúc Pháp.
Tới nay, công trình đã được vài lần sửa chữa, nhưng lần sửa chữa lớn nhất vào năm 2012, làm lại mái nhà tầng 2 bằng bê tông, còn mái cũ được làm bằng rơm rạ trộn vôi vữa nên đã nứt vỡ nghiêm trọng. Trong ảnh, trần của tầng 1 đã xuống cấp.
Hiện, nguồn kinh phí cho duy tu, bảo trì còn hạn hẹp và điều kiện khắc nghiệt tại khu vực nên các công trình đều nhanh xuống cấp, nhất là khu phòng học, phòng sơ cứu được xây dựng từ năm 2001. Do đó, anh em công nhân tại trạm đều mong muốn công trình được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hơn.
Những chiếc khóa hoen gỉ, chưa từng được thay mới suốt hàng chục năm từ khi xây dựng. Anh em công nhân tại Trạm quản lý đường thủy Ba Mom nửa đùa nửa thật: “Ở đây muốn trộm cũng khó nên khóa cửa cũng không quá cần thiết”.
Không chỉ vậy, ở giữa đảo luôn phải đối mặt với dông bão gió giật, hơi nước muối mặn càng khiến công trình nhanh xuống cấp. Nhiều cửa sổ của nhà trạm thậm chí bị gió thốc hỏng và tới nay, vẫn chưa được sửa lại. Theo các công nhân tại trạm, vào mùa mưa bão, họ thường phải gia cố các cửa và chằng néo bằng gậy gộc.
Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt hơn 10 năm, giúp cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của anh em trên đảo.
Hình ảnh Trạm quản lý đường thủy Ba Mom với màu vàng nổi bật khi nhìn từ dưới biển.
Nhóm PV