Khu vực đê Tả Cà Lồ thuộc địa phận thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội có dấu hiệu bị lấn chiếm và bao phủ bởi rác thải, nhà không phép. Mùa nắng nặng mùi xú uế, mùa mưa thì hàng trăm tấn rác thải lại dềnh lên. Người dân vùng hạ lưu sẽ hứng trọn rác kèm nguy cơ dịch bệnh.
Như Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã thông tin, nhiều năm nay, tình trạng rác thải và lấn chiếm đất hành lang đê, đất lòng sông Cà Lồ liên tục diễn ra khiến người dân sinh sống tại khu vực xã Xuân Thủy bức xúc. Theo đó, tình trạng nói trên đang diễn ra tại đoạn đê Tả Cà Lồ, thuộc địa phận thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Dưới đây là chùm ảnh phóng viên đã ghi nhận:
Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sóc Sơn, khu vực mà phóng viên tiếp nhận phản ánh và ghi nhận nằm bên trong đê Tả Cà Lồ (bên cạnh trạm biến áp Xuân Thu 2), thuộc đất có mặt nước chuyên dùng (ký hiệu: MNC). Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP, việc khai thác, sử dụng đất có mặt nước vào mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản phải đảm bảo không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định và phải tuân thủ theo quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, thực tế, mở ứng dụng bản đồ, khu vực này đã và đang được "lấp đầy" bởi nhiều công trình nhà ở, nhà xưởng, rác thải.
Đây là một phần của vùng đất được ký hiệu MNC tại thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn. Bên trong đê Tả Cà Lồ là các công trình nhà ở, nhà xưởng và sâu hơn nữa là ao, hồ nuôi trồng thủy sản
Cận cảnh khu vực bên trong đê Tả Cà Lồ, thuộc địa phận thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu. Trao đổi với phóng viên, luật sư Chu Quỳnh Vương - Văn phòng luật Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: "Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 sửa đổi bổ sung bởi Điểm a, Khoản 2, Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều quy định rõ các hành vi nghiêm cấm xây dựng nhà, công trình trên đất thuộc hành lang an toàn đê điều. Đó là hành vi bị cấm, loại trừ các công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt".
Bởi theo luật sư: "Hành lang đê, nói dễ hiểu là hành lang giao thông đường thủy. Dù nằm bên trong đê nhưng khi có nước lũ dâng cao, khu vực này sẽ được đắp đất, kè đê, tăng diện tích bề ngang của đê để ngăn lũ. Bởi vậy, nếu khu vực xuất hiện nhà xưởng, đồng nghĩa việc gia cố đê khi có nước lũ dâng cao hoặc nước lũ tràn qua đê… là không thể. Vùng đất này, khi không có lũ, người dân chỉ có thể tăng gia sản xuất bằng cách thâm canh, trồng trọt hoa màu".
Nhà xưởng này nằm sâu bên trong khu đất ký hiệu MNC, với rất nhiều rác thải chất ở phía sau.
Cận cảnh rác thải ở phía sau nhà xưởng nằm trên khu đất MNC.
Những nhà mái tôn khác nằm sâu bên trong khu đất được ký hiệu MNC (đất mặt nước chuyên dùng). Theo người dân, rất nhiều năm nay, khu vực này đã bị "lấn chiếm" để sử dụng với mục đích riêng.
Rác thải sinh hoạt được gom và tập kết tại đê Tả Cà Lồ (đê Lương Phúc).
VIDEO: Cận cảnh khu vực đê Tả Cà Lồ bị lấn chiếm, bao phủ bởi rác, người dân Sóc Sơn bức xúc vì mùa mưa đến hàng trăm rác thải lại dềnh lên, bốc mùi hôi thối, trôi về hạ lưu.
Nhiều năm qua, người dân tại xã Xuân Thu không chỉ bức xúc trước tình trạng rác thải và đất phi nông nghiệp bị lấn chiếm sử dụng với mục đích riêng mà còn bức xúc vì hành vi lấn chiếm đất bờ sông cũng diễn ra ngay bên ngoài đê Tả Cà Lồ.
Hành vi lấn chiếm đất bờ sông diễn ra ngay tại sông Cà Lồ với hàng trăm tấn rác thải tập kết ở đây. Người dân cho rằng, chỉ cần một luồng nước mạnh, lượng rác thải này sẽ trôi về hạ lưu, mang theo nguy cơ dịch bệnh đến cho người dân vùng hạ lưu.
Cận cảnh điểm tập kết rác thải ở mặt sông Cà Lồ.
Khu vực đê Lương Phúc, thuộc thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân do rác thải ùn ứ, nhà xưởng nhả khói. Bên cạnh đó, thời điểm này, nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội ngập lụt dâng cao nên người dân nơi đây luôn canh cánh nỗi lo ngập lụt khi đất hành lang đê bị lấn chiếm trên diện rộng.