Cận cảnh dự án cải tạo hồ huyện có dấu hiệu lừa dối tỉnh

Dù đang cao điểm mùa mưa, nhưng cống xả và nhiều vị trí của lòng hồ Phước Hà (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) luôn trong tình trạng chờ nước. Điều này, hoàn toàn trái ngược 'mục tiêu của dự án' đầu tư vào hồ này.

Đắk Lắk đang bước vào cao điểm mùa mưa, nhiều hồ thủy lợi phải xả cống thường xuyên vì lượng nước đổ về lớn. Tuy nhiên, lòng hồ Phước Hà (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) hoàn toàn ngược lại. Đập chống tràn, nhiều vị trí lòng hồ luôn trong tình trạng “chờ nước”, cỏ mọc um tùm.

“Hồ Phước Hà không có mạch, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Đến mùa khô chừng vài tháng, hồ trơ đáy, nứt nẻ. Trước khi làm dự án, chúng tôi đi họp trên xã được biết, hồ này dự kiến làm hết 13 tỷ đồng, dân ai cũng phản đối. Tại sao không lấy tiền này làm dự án khác hiệu quả hơn?”, Trưởng thôn Phước Hà Nguyễn Anh Tuấn nói.

Dù đang cao điểm mùa mưa, nhưng cổng xả (ảnh trên) và nhiều vị trí lòng hồ Phước Hà nước không phủ đầy

Người dân thôn Phước Hòa phản đối dự án này, vì không phát huy hiệu quả

Dự án hồ Phước Hà được triển khai xây dựng, có tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng. Trước khi làm dự án, UBND xã Ea Yông có văn bản phản đối, vì hồ Phước Hà không phát huy hiệu quả tưới tiêu cho người dân canh tác.

Sở dĩ có việc đầu tư này, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Pắk đã lấy dữ liệu của hồ lớn (Hồ Buôn Jung), lập báo cáo cho UBND huyện này xin kinh phí (gần 13 tỷ đồng) UBND tỉnh Đắk Lắk để làm hồ nhỏ (Hồ Phước Hà).

Cụ thể, trong văn bản của huyện Krông Pắk báo cáo cấp trên, lại mở đóng ngoặc đơn Hồ Buôn Jung (Hồ Phước Hà). Với cách diễn đạt này, chính quyền đã coi 2 hồ là một.

UBND xã Ea Yông làm văn bản đề nghị không làm hồ Phước Hà

Hồ Buôn Jung (thôn Tân Sơn) luôn trong tình trạng nước dâng đầy

... và phải đào lối thoát nước để chống ngập

Các tài liệu thể hiện, hồ Buôn Jung (ở thôn Tân Sơn) có lượng tưới cho hơn 200 ha (cà phê và cây ăn quả 144 ha, lúa 63 ha); hồ Phước Hà (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông) tưới cho khoảng 60 ha (cà phê 55 ha, lúa 5ha). Hai hồ này cách nhau 7km.

Ông Tạ Văn Châm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông cho biết: Trước khi triển khai dự án, các cơ quan chức năng chỉ đi khảo sát ở hồ Phước Hà.

“UBND xã Ea Yông Phát hiện cách gọi không đúng tên hồ nên đã đề nghị BQLDA huyện Krông Pắk và chủ đầu tư xem xét, đính chính lại cho đúng. Bởi từ trước đến nay hồ này có tên là hồ Phước Hà”, ông Châm nói.

"Qua các văn bản và các minh chứng nêu trên, hồ chứa nước Buôn Jung và hồ Phước Hà là 2 hồ hoàn toàn khác nhau. Việc không đầu tư hồ Buôn Jung, mà đầu tư hồ Phước Hà không đúng về địa điểm và vịt trí đầu tư", trích báo cáo số 13 của Ban Kinh tế-Xã hội (HĐND huyện Krông Pắk).

Đầu tư vào hồ Phước Hà không phát huy hiệu quả

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch UBND xã lấn chiếm hồ Phước Hà năm 2018 và bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm.

Theo UBND xã Ea Yông, hồ Phước Hà được giao cho ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch UBND xã này (ông này mới nghỉ hưu) thuê lại mặt nước để nuôi trồng thủy sản.

Năm 2018, ông Nam lấn chiếm lòng hồ này bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi dự án Hồ Phước Hà được triển khai (13 tỷ đồng), gia đình ông Nam được nhận tiền đền bù hơn 510 triệu đồng.

Ông Hưng (áo ca rô xanh) trao đổi với phóng viên.

Ông Nguyễn Đình Hưng (chuyên viên BQLDA huyện Krông Pắk) cho biết, năm 2010, “hồ Phước Hà trên bản đồ có tên gọi hồ Buôn Jung” tưới cho 60 ha cây trồng (cà phê 55 ha, lúa 5ha), được phê duyệt kinh phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.

Đến năm 2020, dự án này đội vốn lên gần 13 tỷ là do “vật giá leo thang”. “Việc đầu tư dự án còn có Sở NN&PTNT Đắk Lắk thẩm định”, ông Hưng nói.

Nhóm PV Tây Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/can-canh-du-an-cai-tao-ho-huyen-doi-tinh-1723702.tpo