Cận cảnh dự án điện mặt trời được cựu Thứ trưởng Bộ Công thương tạo 'cơ chế' ưu đãi
Ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) bị kết luận vì động cơ vụ lợi, tạo cơ chế cho dự án điện mặt trời được hưởng giá điện ưu đãi, sau đó được 'biếu' 1,5 tỷ đồng.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, cùng một số tỉnh, thành liên quan, đồng thời đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương); ông Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo); ông Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện) cùng 9 đồng phạm khác về hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cụ thể, ông Vượng lợi dụng chức vụ quyền hạn đã thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch; đồng thời, “cố ý” xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho dự án vượt phạm vi Thủ tướng Chính phủ cho phép... Sự "cố ý" của ông Vượng tạo điều kiện cho nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) được vào diện được hưởng giá điện ưu đãi.
Dù sau đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện nghiêm theo đúng nghị quyết nhưng ông Vượng "ngó lơ", dẫn đến thiệt hại 774 tỷ đồng cho EVN. Khi bị điều tra, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương khai đã nhận của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam 1,5 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh ban hành tháng 12/2023 đã thể hiện rõ: Đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc và dự án Trung Nam Thuận Nam, việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư của hai dự án này chưa thực hiện đúng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014.
Nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013, Điểm c Khoản 1 và Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43 ngày 15/5/2014. Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho rằng còn có trách nhiệm của UBND tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan tham mưu có liên quan thuộc UBND tỉnh.
Thời gian qua, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) đã có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Chính phủ về việc phần công suất 172 MW bị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định). Bởi trong 172 MW có 86 MW trên diện tích đất (khoảng 108 ha) được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, tức đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Phía Tập đoàn Trung Nam thừa nhận vướng mắc là dự án được xây dựng trên ba xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh (huyện Thuận Nam) nhưng giấy phép hoạt động điện lực chỉ thể hiện ở xã Phước Minh. Từ tháng 10/2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh và tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỉ đồng.
Nhưng đại diện EVN cho biết, thời gian qua tập đoàn đã huy động công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam. Đồng thời, họ ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa cho đến khi có quy định cụ thể. “Đối với phần đủ quy định pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt”, đại diện EVN khẳng định.