Hoa Ưu Đàm, loài hoa được cho là theo Kinh Phật nói 3.000 năm mới nở một lần bất ngờ được phát hiện tại nhà vườn Ngọc Lan Viên (181 Đình Thôn, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hoa Ưu Đàm nở trên rễ của cây hoa phong lan Phi Điệp
Những bông hoa nhỏ ti ti này mọc trên rễ của cây hoa phong lan Phi điệp. Hoa có hình chuông, màu trắng, nhiều cánh, thân mảnh như sợi tơ, cao chừng 0,8cm.
Những thân cây hoa Phi điệp Thái Nguyên đang được nhân giống tại vườn của "Hiệp sĩ Tầm lan" Trần Tuấn - Ngọc Lan Viên
Tổng cộng có 12 "bông" hoa Ưu Đàm nhỏ xíu nở trên rễ của cây hoa phong lan Phi Điệp (còn gọi là cây Giả Hạc)
Hoa Ưu đàm (hay Udumbara) theo tiếng Phạn có nghĩa là “một loài hoa mang điềm lành từ Trời”.
Thời gian gần đây, hoa Ưu Đàm liên tục được thấy ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam như Quảng Nam, Nam Định, Thái Nguyên, TP.HCM, Phú Yên, Khánh Hòa và Hà Nội
Duy Hậu, chàng trai đang làm việc tại Ngọc Lan Viên là người phát hiện ra hoa Ưu Đàm
Duy Hậu cho biết, ngày 7-4-2018, khi kiểm tra các thân phi điệp đang được nhân giống trong vườn, thì phát hiện hoa Ưu Đàm.
Vì cũng từng nghe và xem về hoa Ưu Đàm trên mạng, nên anh cũng rất vui và bất ngờ khi phát hiện loại 'hoa' này trên cây hoa phong lan Phi Điệp
Đây là lần đầu tiên phát hiện hoa Ưu Đàm 3000 năm trên cây hoa, chính xác là trên rễ của mầm cây hoa phong lan Phi Điệp
Truyền thuyết kể rằng, hoa Ưu Đàm Bà la (Udumbara), gọi tắt là hoa Ưu Đàm, khai nở là một sự kiện hy hữu chỉ xảy ra 3.000 năm một lần. Chính điều này khiến không ít người khi nhìn thấy hoa Ưu Đàm nở đã vô cùng kinh ngạc và nghĩ nhiều đến những điều tâm linh kỳ bí.
Việc xuất hiện loại "hoa 3000 năm" khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên, tò mò và băn khoăn.Sở dĩ người ta thần thánh hóa loài 'hoa' này là vì sự xuất hiện của chúng thực sự đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trên các bức tượng phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây…
Năm 2014, GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu Đàm là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy, bởi cơ thể là một khối nhầy.
Cũng trong một bài báo đăng tải năm 2014, Đại đức Pháp Trí, chùa Từ Đàm (Thừa Thiên – Huế) cũng tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe thông tin về việc nhiều người nhìn thấy hoa Ưu Đàm.
TheoĐại đức Pháp Trí, những người theo đạo Phật, đọc kinh sách xem hoa Ưu Đàm như là hoa Cát tường – biểu trưng cho sự tốt lành, một sự thay đổi lớn của đất trời. Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy hoa Ưu Đàm trên thực tế cả...
Một số nhà khoa học khác lại cho rằng, những bông hoa có khả năng là quả của một loại nấm kim. Bào tử nấm theo gió bay đi khắp nơi, bám vào cửa sắt, cửa kính, chuông chùa… gặp điều kiện độ ẩm không khí cao đã nẩy mầm và phát triển, và sống được nhờ hấp thụ chất khoáng trong không khí.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định, hoa Ưu Đàm đơn thuần chỉ là một loại nấm. Nhưng bà Chính cũng cho rằng, chưa đủ cơ sở khẳng định hoa Ưu Đàm sinh ra từ nấm nhầy, bởi nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây. Đây có thể là nấm mốc, bởi với nấm mốc cũng có thể xuất hiện cả trong tủ lạnh.
Hoa Ưu Đàm được thấy tại Nhà văn hóa tổ 1,3,4 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, năm 2015. (Ảnh: Ngọc Quý)
Hoa Ưu Đàm cũng từng được phát hiện ở Thừa Thiên - Huế trước đó (Ảnh: Đại Dương)
Hoa Ưu Đàm từng nở tại chùa Phù Ninh (Thủy Nguyên - Hải Phòng)
Lần này là hoa Ưu Đàm được phát hiện trên giò phong lan Phi Điệp. Dù chưa thể khẳng định hay phản bác được hoàn toàn, những người vô tình phát hiện "hoa Ưu Đàm" này cũng tỏ ra rất vui, hy vọng điều lành, may mắn đến với mọi người.
Hà Phương