Cận cảnh hoang hóa quanh bến phà Thủ Thiêm sau 10 năm ngừng hoạt động
Bến phà Thủ Thiêm - một địa danh sông nước nổi tiếng của TPHCM đã ngừng khai thác trong 10 năm, song nơi này vẫn được sử dụng làm bến phà công vụ. Phóng viên Tiền Phong đã tìm về bến phà Thủ Thiêm sau một thập kỷ.
Đất Sài Gòn - Gia Định xưa và TPHCM ngày nay vốn là vùng sông nước với những nét văn hóa "trên bến dưới thuyền" mà bến phà Thủ Thiêm (trước kia là bến đò Thủ Thiêm) là tiêu biểu nhất.
Vào thời hưng thịnh, bến đò Thủ Thiêm có 200 chiếc đò ngang hoạt động và hàng chục chiếc phà cùng chạy đưa đón khách sang sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, kể từ năm 2012, bến phà Thủ Thiêm đã dừng hoạt động khi nhiều cầu, hầm qua sông Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng, lượng khách đi phà giảm nhiều.
Tuy vậy, việc đóng cửa tuyến phà hàng trăm năm cũng để lại khá nhiều sự tiếc nuối của người dân và du khách. Văn hóa sông nước vốn là đặc trưng của thành phố phương Nam.
Sau 10 năm ngừng hoạt động khai thác đưa đón khách qua sông, bến phà Thủ Thiêm trở nên hoang vắng. Người dân sống xung quanh bến phà đã được giải tỏa trắng, dời đến các vùng đất khác, nhường chỗ cho các công trình đô thị hóa.
Dưới đây là hình ảnh mới nhất của bến phà Thủ Thiêm, chụp tháng 5/2023.
Thành phố Thủ Đức đang được xây dựng quy mô, với nhiều công trình chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn, quanh vị trí bến phà Thủ Thiêm năm xưa. Đặc biệt, các trung tâm văn hóa du lịch của Thành phố Thủ Đức như Nhà hát Thủ Thiêm, đình cổ An Khánh và nhiều công trình quan trọng khác đều nằm kề sát với bến phà Thủ Thiêm, chỉ cách một con đường ven sông.
Người dân và những người quan tâm đến bản sắc văn hóa của Thành phố Thủ Đức đều hy vọng sau khi Thành phố Thủ Đức được hoàn thiện thì bến phà Thủ Thiêm sẽ được "tái sinh" với diện mạo mới, phục vụ nhu cầu của con người hiện đại như du lịch, giải trí, sinh hoạt văn hóa, check-in tham quan... làm sống lại một địa danh văn hóa trăm năm của phương Nam.