Cận cảnh kẹo 'xuất xứ Nhật Bản' được 'hô biến' từ kẹo Trung Quốc thu gom trôi nổi trên thị trường
Thay vì nhập khẩu kẹo Nhật Bản theo đường chính ngạch, Quân lại mua kẹo Trung Quốc trôi nổi trên thị trường, sau đó, thuê người bóc vỏ, đóng gói vào các túi nilon mua sẵn để kiếm lời.
Ông T.T.Quân là chủ một xưởng đóng gói kẹo tại đường Nam Cầu Ngãi, thôn Ngãi Cầu (thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Thời gian qua, do ham cầu lợi nhuận, Quân đã mua trôi nổi nhiều loại kẹo "made in Trung Quốc" trên thị trường.
Sau đó, Quân thuê người bóc vỏ, đóng gói vào các túi nilon mua sẵn có dập chữ "xuất xứ Nhật Bản" theo đúng trọng lượng sau đó mang ra thị trường bán để kiếm lời.
Sự việc chỉ bị phát giác khi Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng CSMT (Công an TP Hà Nội) kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, công nhân tại xưởng kẹo của Quân đã "hô biến" thành công kẹo Trung Quốc, kẹo trôi nổi thành kẹo có xuất xứ Nhật Bản, cụ thể: 18 thùng kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản loại 300 gram/gói, 50 gói/thùng; 21 thùng kẹo mềm nhân trái cây 8 vi Nhật Bản loại 200 gram/gói, 80 gói/thùng.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện 330 thùng kẹo dẻo nhãn hiệu TOP FRUIT loại 2,5kg/túi x 4 túi/gói có nhãn ghi "Made in China"; 78 thùng kẹo dẻo trái cây sắc màu (nhãn hiệu CDRT) loại 2,5kg/gói x4 gói/thùng và 380kg kẹo dẻo trái cây sắc màu (nhãn hiệu CDRT) (đã bóc khỏi vỏ) có nhãn phụ có ghi: Xuất xứ Trung Quốc đang được công nhân bóc vỏ, đóng gói thành sản phẩm kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản loại 300 gram/gói, và 200 gram/gói, trên nhãn có ghi: Made in Japan; thương nhân nhập khẩu bởi: Công ty TNHH OSASHI-FUKUDAYA, địa chỉ: Đường 14, KCN Việt Nam Singapore II-A, Thị xã Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương, Việt Nam.
Làm việc với cơ quan chức năng, Quân không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hóa đơn chứng từ gì liên quan đến hàng hóa.
Tiếp tục kiểm tra, khám kho hàng tại địa chỉ ngõ 1057, đường 72 Ngãi Cầu, Đoàn kiểm tra phát hiện 41 thùng kẹo dẻo Chip Tom and Jerry được đựng trong túi nilon.
Trên nhãn ghi sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Tân Hùng Thái (địa chỉ tại Cụm công nghiệp An Phát, Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội). Số hàng này cũng đang được cơ sở này sang bao, đóng gói thành hàng có ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài mang nhãn hiệu Adorable.
Ngoài số hàng hóa trên, đoàn kiểm tra còn thu giữ nhiều phương tiện sang bao, đóng gói sản phẩm như: máy dán miệng túi; 01 máy dập date; hàng chục ngàn vỏ túi nilon kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản loại 300gram; hàng nghìn thùng caton; máy nén khí…
Hiện sự việc đang được lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.