Cận cảnh khu vực sẽ bị cưỡng chế phục vụ dự án chậm tiến độ 10 năm ở Hà Nội
UBND huyện Phú Xuyên cho biết sẽ cưỡng chế để thi công dự án đường trục phía Nam Hà Tây (cũ), hiện đã chậm tiến độ 10 năm.
Dự án đường trục phía Nam Hà Tây (cũ) dài 41,5km, có vai trò đặc biệt trong việc kết nối các huyện phía Nam Thủ đô như: Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... với nội đô. Trong đó, đoạn qua địa phận huyện Phú Xuyên dài gần 9km.
Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, khi hoàn thành được kỳ vọng đồng bộ hạ tầng, kết nối các vùng của Thủ đô, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Dù là dự án giao thông huyết mạch của Hà Nội nhưng đến nay dự án đã chậm tiến độ 10 năm so với kế hoạch (kế hoạch hoàn thành năm 2014) và trở thành "nút thắt" trong hạ tầng giao thông khu vực.
Được biết, tuyến đường hiện mới hoàn thành khoảng 20km, còn hơn 21km đang thi công. Lý do khiến tuyến tuyến đường thi công "ì ạch" nhiều năm qua tới từ vướng mắc trong mặt bằng thi công.
Ghi nhận của PV sáng 22/4 tại điểm đầu của dự án khu vực đường dẫn lên cầu bắc qua kênh Vân Đình (xã Hồng Minh). Tại đây, do vướng mắc mặt bằng khiến nhà thầu chưa thể thi công.
Trên địa phận thôn Phù Bật (xã Hồng Minh) hiện có 15 thửa đất thuộc phạm vi phải giải phóng mặt bằng thuộc với tổng diện tích 1.930,4m2. Các thửa đất này có nguồn gốc đất do UBND xã giao, sau đó một số hộ đã san lấp tạo mặt bằng.
Một số hộ dân có đất thuộc diện thuộc diện thu hồi cho biết, đầu năm 2008, xã Hồng Minh thực hiện việc bình xét, bốc thăm và thu tiền đất theo giá quy định là 24.300.000 đồng/suất đất.
Các gia đình đã được nhận đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính như các hộ dân khác. Tuy nhiên, sau này các hộ dân mới biết những lô đất này có vị trí nằm ngoài quyết định của huyện. "Chúng tôi mua đất ở của địa phương một cách công khai, chứ không phải là đất lấn chiếm, hay mua bán chui lủi", một người dân có đất thuộc 15 thửa đất bị thu hồi cho biết.
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản 1300/STNMT-KTĐ ngày 28/2/2024 nêu rõ, việc 15 trường hợp sử dụng đất do xã Hồng Minh giao trái thẩm quyền năm 2008 hiện là đất nông nghiệp, không có công trình xây dựng, không có hạ tầng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, không có quy định bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp giao trái thẩm quyền sau ngày 1/7/2004. Do đó, đề xuất của UBND huyện Phú Xuyên và các hộ gia đình là không có cơ sở để xem xét việc bồi thường hay hỗ trợ khác.
Để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên phải tiến hành thu hồi giải phóng mặt bằng diện tích 1.930,4m2 đất liên quan đến UBND xã đã giao trái thẩm quyền, để hoàn thành thi công hạ tầng kỹ thuật kết nối toàn tuyến đường, sớm đưa vào khai thác sử dụng phục vụ đi lại, giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về vấn đề này ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, trước mắt huyện sẽ tiếp tục thông báo thu hồi đất, công khai trình tự thủ tục thu hồi đất và sẽ tiến hành cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc tài sản trên đất. Nếu 15 gia đình tiếp tục gây khó khăn sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
Liên quan đến việc giao đất trái thẩm quyền nêu trên, UBND huyện vào cuộc làm rõ bản chất vấn đề, kỷ luật cán bộ có liên quan. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát không để các gia đình vi phạm xây dựng trên khu đất. Người dân cũng liên tục có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý hình sự hành vi giao bán đất trái thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 13/6/2016, Tòa án Nhân dân huyện Phú Xuyên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm một số cán bộ xã Hồng Minh liên quan đến hành vi giao bán đất trái thẩm quyền và ban hành bản án số 18/2016/HSST. Tiếp đó, ngày 7/9/2016, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cũng đã xét xử phúc thẩm vụ án xác định rõ hành vi vi phạm và tuyên án tù giam một loạt cán bộ có liên quan.