Startup hàng không vũ trụ châu Âu Destinus đã hé lộ 2 nguyên mẫu máy bay hydro là Destinus S và L tại triển lãm Paris Air Show diễn ra từ ngày 19 - 25/6. Destinus có tham vọng thương mại hóa máy bay siêu thanh, giúp khách hàng tối đa hóa thời gian bay. Ảnh: Destinus.
Destinus lên kế hoạch ra mắt máy bay thương mại chạy hoàn toàn bằng hydro đầu tiên khoảng năm 2030-2032. Mang tên Destinus S, mẫu máy bay này dự kiến chở 25 hành khách và có tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tương đương 6.174 km/h), nhanh hơn máy bay siêu thanh huyền thoại Concorde. Ảnh: Destinus.
Khoảng một thập kỷ sau đó, Destinus dự định tung ra Destinus L, phiên bản lớn hơn của Destinus S. Mẫu máy bay này dự kiến di chuyển với tốc độ Mach 6 và có thể bay xa tới 22.000 km, chở được 300-400 hành khách. Ảnh: Destinus.
“Đó là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay", Martina Löfqvist, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao của Destinus cho hay. Hình dạng này được hãng gọi là "thiết kế lái sóng", cho phép máy bay có thêm lực nâng bằng cách cưỡi trên sóng xung kích được tạo ra ở tốc độ siêu thanh. Ảnh: Taylor Rains/Insider.
Điều thú vị nhất trong kế hoạch của Destinus là dùng hydro làm nhiên liệu, xóa bỏ những nghi ngờ về khí thải khi vận chuyển. "Chúng tôi đã nói chuyện với rất nhiều hãng hàng không và sân bay, họ đều ủng hộ quan điểm rằng hydro sẽ là tương lai của ngành hàng không" bà Löfqvist cho biết. Ảnh: DEsi.
Hydro được chọn làm nhiên liệu vì giá trị năng lượng cao gấp ba lần dầu kerosene thường dùng trong máy bay ngày nay. Hơn nữa, nhiên liệu này còn có khả năng làm mát tốt, lý tưởng cho động cơ chu trình hỗn hợp. Loại động cơ này gồm một động cơ phản lực có thể mang lại tốc độ cận âm (subsonic) và siêu thanh (supersonic). Ảnh: Destinus.
Ngoài ra, Destinus còn trang bị cho dòng máy bay mới một bộ đốt sau với khả năng cung cấp thêm lực đẩy khi cần. Bộ phận này có tên gọi là Ramjet (động cơ phản lực dòng thẳng) và có thể đưa máy bay lên tốc độ vượt siêu thanh (Hypersonic), tức là nhanh hơn Mach 5. Chiếc máy bay có thể di chuyển từ London tới New York chỉ trong 90 phút, nhanh hơn 6 tiếng so với máy bay truyền thống. Ảnh: Destinus.
Hiện tại, Destinus đã thử nghiệm bay thành công với nguyên mẫu đầu tiên Destinus 1 (có tên gọi khác là là Jungfrau). Tháng 10/2022, công ty thử nghiệm máy bay Eiger dài gần 10 m với tốc độ cận âm. Tháng 5, Destinus thử nghiệm thành công công nghệ đốt sau với nhiên liệu hydro. Ảnh: Destinus.
Trong khi đó, bà Löfqvist tiết lộ Destinus sẽ tiếp tục tài trợ cho dự án bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng, chẳng hạn như động cơ tua-bin khí mà hãng mới có được sau khi mua lại một công ty khác. Ảnh: Taylor Rains/Insider.
Việt Anh