Cận cảnh những lòng sông biến dạng vì 'cát tặc' tại Gia Lai
Mùa khô, nhiều lòng sông ở Gia Lai trở thành 'mỏ vàng' của 'cát tặc', những nhát xẻng ngày đêm cày xới khiến dòng chảy sông biển đổi, bờ bãi sạt lở.
Cận cảnh những lòng sông Gia Lai bị 'cát tặc' ngày đêm giày xéo biến dạng

Mùa khô, những mạch sông chính qua địa bàn tỉnh Gia Lai (Bình Định cũ) như sông Kôn, sông Hà Thanh, sông Kim Sơn, suối Bứa... cạn trơ đáy. Đây cũng là mùa "hái ra tiền" của "cát tặc". Từng nhát xẻng cả ngày lẫn đêm, những vết bánh xe in hằn khiến lòng sông biến dạng.

Đầu tiên phải kể đến sông Hà Thanh và vị trí "nóng" khai thác cát trái phép là tại điểm giao nhau của địa bàn 3 xã phường: Quy Nhơn Tây, Canh Vinh và Tuy Phước Tây. Người dân hai bên bờ sông Hà Thanh vẫn hay gọi địa điểm này là "ngã ba Đông Dương". Tại vị trí này, lòng sông bị khai thác trái phép trong suốt nhiều năm liền.

Phóng viên Báo Điện tử VTC News đã ghi nhận nhiều ngày tại vị trí lòng sông Hà Thanh thuộc địa giới hành chính phường Quy Nhơn Tây. Điểm "nóng" này liên tục xuất hiện những chiếc máy cày được độ thùng kéo từ 2-3m³ trở lên, khai thác cát trái phép mỗi ngày hàng chục chuyến.

Từ 2-5h sáng và từ 16-18h là những thời điểm "cát tặc" lộng hành. Theo ghi nhận tại thời điểm khai thác cát, mỗi chiếc máy cày có từ 2-3 nhân công dùng xẻng tay, gom cát thành đống trên lòng sông sau đó được chuyển về nơi tập kết.

Điểm tập kết cát nằm bên cạnh ngôi nhà dưới chân cầu Phước Thành thuộc địa bàn phường Quy Nhơn Tây và được chính quyền địa phương kiểm tra, xác minh, sau đó lập biên bản cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, biên bản được lập ngày 16/7 thì hôm sau ngày 17/7, máy cày và điểm tập kết này tiếp tục hoạt động, không giữ nguyên hiện trạng.

Tại thôn Long Thành, phường Quy Nhơn Tây, một nhánh sông Hà Thanh hay còn gọi là Suối Bứa, nạn khai thác cát trái phép cũng diễn ra từ nhiều năm khiến dòng suối bị sạt lở, biến dạng, đất rừng sản xuất của người dân bị cuốn trôi.

Có nhiều đoạn lòng suối bị móc thành hố sâu, dấu vết của việc khai thác cát bằng máy múc còn mới. Bên cạnh suối là bãi tập kết cát lớn nằm trong vườn nhà dân.

Ngược theo dòng chảy của sông Hà Thanh đoạn qua xã Canh Vinh (tỉnh Gia Lai) không khó để bắt gặp những cảnh tượng tan hoang bởi vết bánh xe cả mới lẫn cũ của "cát tặc".

Theo người dân xã Canh Vinh, vùng ven sông Hà Thanh từ những bãi bồi bằng phẳng, nay biến thành hàng trăm hố cát lớn nhỏ nham nhở, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến việc canh tác.

Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, kéo dài hàng trăm mét. Mùa mưa lũ tới, đất đai sản xuất và nhà cửa của người dân có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Không chỉ sông Hà Thanh, sông Kim Sơn đoạn chảy qua địa bàn hai xã Ân Tường và Kim Sơn cũng đang trong tình trạng tương tự.

Theo người dân, nạn khai thác cát trái phép trên lòng sông Kim Sơn diễn ra liên tục vào ban đêm, ngay bên cạnh đường lộ nhưng chính quyền địa phương chưa có động thái ngăn chặn, chấm dứt.

Nạn khai thác cát trái phép trên lòng sông Kim Sơn được cho là một yếu tố góp phần gây biến đổi dòng chảy gây nên sạt lở báo động hai bên bờ sông này. Mùa mưa bão đến, các hộ dân bên sông Kim Sơn lại sống trong thấp thỏm khi hoa màu, đất đai đang bị “hà bá” gặm từng ngày.

Có đoạn sông chỉ còn hơn 2 mét là "ăn" vào đến nhà dân. Một số cây ăn trái và hoa màu của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi.

Không chỉ dừng lại ở các con sông, tình trạng khai thác cát trái phép còn lan rộng ra các khu vực ven biển tại Gia Lai, đặc biệt là xã Phù Mỹ Đông. Những bãi cát trắng, những đồi cát trồng dương và rừng sản xuất bị "xẻ thịt" không thương tiếc. Hình ảnh là một đồi cát tại xã Mỹ Thắng cũ bị "cát tặc" xẻ làm đôi.

Tại xã Phù Mỹ Đông (xã Mỹ Thắng cũ), nguyên một vùng rộng lớn bị cát tặc lợi dụng đêm tối, dùng máy để múc cát biển lên xe tải, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ.

Gần cánh đồng điện gió Phương Mai thuộc phường Quy Nhơn Đông có một điểm "cát tặc" manh nha "rút ruột".
Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Quy Nhơn Tây (Gia Lai) thông tin: "Địa phương đã nắm bắt tình hình và chỉ đạo các phòng chuyên môn, công an phường vào cuộc, tiếp cận hiện trường để có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác cát tại điểm giáp ranh 3 xã phường và khu vực suối Bứa".
Ông Dương Hiệp Hòa, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh (Gia Lai) chia sẻ, vấn nạn "cát tặc" trên sông Hà Thanh khiến lãnh đạo địa phương hết sức đau đầu. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ địa giới hành chính của 3 phường xã Quy Nhơn Tây, Canh Vinh, Tuy Phước Tây chưa được rõ ràng và đây cũng là mấu chốt để "cát tặc" lợi dụng khai thác cát trái phép.
"Địa phương hiện đã có chỉ thị và kế hoạch cụ thể về vấn nạn khai thác cát trái phép tại các điểm nóng trên địa bàn. Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo địa chính xã đo đạc lại và cắm ngay mốc ranh giới hành chính.
Đồng thời, địa phương đã có văn bản gửi phường Quy Nhơn Tây và xã Tuy Phước Tây đề nghị phối hợp xây dựng phương án ngăn chặn, nếu không làm ngay thì đêm nào tôi cũng không ngủ yên vì cuộc gọi, tin nhắn của người dân liên tục tố giác về nạn "cát tặc" nói trên", ông Dương Hiệp Hòa nhấn mạnh.