Cận cảnh nông dân Ninh Thuận 'làm chơi ăn thật' với con dông vùng cát trắng
Với giá bán dông thịt dao động từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng/kg, nhiều hộ nuôi đã có lãi, thu nhập ổn định...
Những ngày cuối tháng 7, PV có mặt tại vùng đồi cát thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận). Nơi đây được xem là địa phương tiên phong phát triển nghề nuôi dông trên cát ở tỉnh Ninh Thuận với lợi thế địa hình là những bãi cát rộng, trải dài rất thích hợp để dông sinh trưởng và phát triển.
Đang tất bật chăm sóc đàn dông thương phẩm ở hầm nuôi trên 2.000 con, ông Trịnh Lân, người có thâm niên hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi dông sinh sản và dông thương phẩm ở thôn Hòa Thủy cho biết, nhờ con dông mà kinh tế gia đình ông ngày càng khởi sắc.
Trước đây, gia đình ông khó khăn bậc nhất ở địa phương, nhờ nuôi dông đến nay đời sống gia đình dần ổn định, có điều kiện để lo cho con cháu ăn học. Hiện gia đình ông Lân đã phát triển lên 6 hầm nuôi dông với số lượng gần 10.000 con với đủ loại, từ dông thương phẩm đến dông giống bán ra thị trường.
Theo ông Lân, so với con dông ở các tỉnh bạn thì chất lượng dông thịt ở Ninh Thuận luôn được thực khách đánh giá cao hơn. Cũng bởi yếu tố địa hình, môi trường sống và thức ăn tự nhiên mà chất lượng thịt của con dông Ninh Thuận có độ dai, mềm ngọt và rất thơm.
“Thức ăn của dông chủ yếu là cỏ xanh, rau muống, giá và các loại hạt, các phế phẩm từ nông nghiệp do đó chất lương thịt rất thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với giá bán 500-600 nghìn đồng/kg như hiện nay, trung bình mỗi tháng con dông đem lại thu nhập cho gia đình tôi từ 8 triệu đến 12 triệu đồng”, ông Lân cho chia sẻ
Theo chính quyền địa phương, hiện nay trên địa bàn xã Phước Hải (huyện Ninh Phước) có trên 40 hộ nuôi dông trên cát với diện tích khoảng gần 10 ha (tập trung nhiều tại thôn Hòa Thủy).
Mỗi năm cung cấp khoảng 2,5 tấn dông thương phẩm cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Trị, Phú Yên, TP.HCM… Mỗi lứa nuôi (khoảng 10 - 12 tháng trở lại), sau khi trừ chi phí mỗi hộ thu trên 60-70 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và nuôi gia cầm.
Ông Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết, hiện tạixã đã có kế hoạch thành lập tổ nuôi dông nhằm tạo điều kiện để các hộ nuôi liên kết với các đơn vị khác để cung cấp đầu ra cho sản phẩm dông thịt; qua đó, nhân rộng mô hình nuôi dông trên cát, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Một số hình ảnh PV ghi nhận hầm dông tại thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải (Ninh Phước - Ninh Thuận):