Cận cảnh quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ
Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ - Di tích cấp quốc gia đặc biệt có 45 điểm di tích thành phần, trong đó có 8 điểm đã được đưa vào phục vụ khách tham quan.
Những năm qua, xác định du lịch lịch sử là ngành mũi nhọn, nên công tác sửa chữa, trùng tu các di tích đã được cấp chính quyền, ngành Du lịch Điện Biên chú trọng nhằm phát huy giá trị lịch sử, tái hiện một cách đầy đủ, chân thực và sống động nhất về Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) của quân và dân ta.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ xây dựng tháng 10/2012. Đây là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh … đã khái quát sinh động, sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm, được quân Pháp gọi là cầu "Prenley”, là cầu dã chiến được làm sẵn và vận chuyển từ nước Pháp sang lắp ghép tại Điện Biên. Ngày này, cầu cách ngã ba đường 279 khoảng 300 m. Đây là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Toàn bộ cây cầu dài 40m, rộng 5m. Hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn. Trải qua 64 năm, cầu Mường Thanh vẫn giữ được nguyên gốc như khi mới xây dựng và mãi là "cầu tiến quân lịch sử”.
Toàn cảnh khu di tích Đồi A1.
Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào ngày cuối của trận đánh quân đội ta đã phải bí mật đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng gần 1000kg và cho điểm hỏa vào đêm ngày 6/5/1954. Vụ nổ đã thổi bay lô cốt địch phía trên, gây chấn động toàn tuyến phòng thủ của địch trên đồi A1. Qua 39 ngày đêm chiến đấu ác liệt đến sáng 7/5/1954 thì ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm để giành thắng lợi toàn diện cuối cùng.
Đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong dãy đồi phía Đông, bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là tấm là chắn cuối cùng, chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Người Pháp gọi là Eliane 2, đồi cao hơn mặt đất 49m, dài 200m, rộng 80m hình bầu dục, nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Điểm cao A1 có tác dụng che sườn cho phân khu đông, đồng thời cùng các điểm cao khác tạo thành một bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc.
Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng chân trong vòng 105 ngày (từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954). Các cơ quan của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ, chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch đảm bảo được bí mật và an toàn tuyệt đối. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biện Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954.
Dẫn lên Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là Trục hành lễ gồm 320 bậc, được chia làm 3 chiếu nghỉ lớn, tương đương với 3 đợt tấn công của Quân đội ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hai bên trục hành lễ là 56 cột mốc được làm bằng đá xanh tượng trưng cho 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của bộ đội ta. Hai bên sườn đồi dọc trục hành lễ được trồng cây hoa Ban và một số cây khác tạo cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho đồi di tích này.
Di tích Cụm tượng đài kéo pháo bằng tay bằng chất liệu đá xanh, đặt theo thế tựa sơn, hướng thủy, dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12, 5 mét, nặng 1.200 tấn trên triền đồi Bó Hôm (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Cụm tượng được đặt chính trên con đường cách đây 64 năm, một trong những đơn vị pháo binh đầu tiên của quân đội ta, trong đó có Trung đội pháo 105 ly của Anh hùng Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện đã kéo pháo vào trận địa phía Bắc. Nơi đây, anh hùng Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn bánh cứu pháo và anh dũng hi sinh. Cụm tượng tái hiện được ý chí và lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của những người lính Cụ Hồ trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Điểm cao đồi D1 được chọn làm vị trí đặt Tượng đài Chiến thắng. Đây là tượng đại bằng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam hiện nay. Tượng có chiều cao 12,6m được đúc bằng 217 tấn đồng. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ uy nghi, sừng sững được đặt trên đồi D1 là ngọn đồi cao nhất thành phố Điện Biên Phủ sẽ mãi là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.