Cận cảnh sân bay Vinh những ngày đóng cửa để 'trùng tu'
Từ ngày 1/7, Cảng hàng không quốc tế Vinh, Nghệ An sẽ tạm dừng khai thác để sửa chữa, nâng cấp các hạ tầng quan trọng. Cuộc 'trùng tu' lần này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho phát triển du lịch, logistics, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm phát triển vùng Bắc Trung Bộ.
Video: Cận cảnh sân bay Vinh những ngày đóng cửa để ‘trùng tu’

Theo thông báo của Cục Hàng không Việt Nam, từ 0h ngày 1/7 đến hết ngày 31/12, sân bay quốc tế Vinh sẽ tạm dừng khai thác toàn bộ hoạt động bay để phục vụ 3 dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng quan trọng gồm: sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn; cải tạo, mở rộng sân đỗ máy bay; cải tạo nhà ga hành khách T1. Ba dự án nâng cấp sân bay có tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn có tổng mức đầu tư hơn 623 tỷ đồng, nhằm gia cố nền mặt đường, hệ thống thoát nước, đèn hiệu, tín hiệu hàng không... Dự án cải tạo mở rộng sân đỗ máy bay được triển khai trên diện tích gần 30.000m², nâng khả năng đón tiếp lên 9 vị trí đỗ máy bay thân hẹp, tổng vốn khoảng 237 tỷ đồng. Cùng với đó, nhà ga hành khách T1 sẽ được cải tạo, bổ sung thêm không gian sử dụng nhằm nâng công suất phục vụ từ 2,5 lên 3-3,5 triệu lượt khách/năm.




Ghi nhận của PV sáng 3/7 tại sân bay Vinh, khung cảnh vắng lặng. Khu vực quầy check-in, dãy ghế ngồi chờ tại sân bay Vinh được phủ bạt kín. Các quầy hàng phục vụ du khách đóng cửa, quây kín bạt.

Bên trong nhà ga quốc nội sân bay Vinh, nhân viên an ninh vẫn túc trực. Chị Cao Phương Thảo, nhân viên an ninh soi chiếu của sân bay Vinh cho hay: “Những ngày này, chúng tôi vẫn trực 24/24 đảm bảo an ninh tại các vị trí của sân bay. Ngoài ra, nhân viên an ninh còn phải giám sát đơn vị thi công, đảm bảo cơ sở vật chất, máy móc thiết bị không bị mất mát, hư hỏng”.


Ô thông tầng phía ngoài nhà ga cũng sẽ được lấp để tăng diện tích khai thác, tạo khu vực công cộng cho hành khách làm thủ tục. Khu vực sảnh đi (đường tầng) và sảnh đến (tầng một) sẽ được che chắn mưa nắng bằng hệ thống mái kính và vách kính ngoài nhà, giúp quá trình vận hành thuận lợi hơn.

Công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy vẫn được Đội khẩn nguy Phòng cháy chữa cháy của Cảng hàng không quốc tế Vinh thực hiện hàng ngày.


Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Vinh, trong 6 tháng sân bay không khai thác, toàn bộ ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng ban sẽ trực tiếp ở lại sân bay để phối hợp với các nhà thầu, giám sát quá trình thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Phần lớn cán bộ, nhân viên của cảng sẽ được điều chuyển tạm thời tới làm việc tại các sân bay khác trên cả nước như Thọ Xuân (Thanh Hóa), Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc…

Trong thời gian sân bay Vinh tạm đóng cửa, các hãng hàng không đều phát thông báo hướng dẫn hành khách đổi chuyến, hoàn vé miễn phí, đồng thời khuyến nghị các phương án di chuyển thay thế qua các sân bay lân cận như Thọ Xuân (Thanh Hóa), Đồng Hới (Quảng Bình). Các hãng cũng điều chỉnh lại lịch bay, tăng tần suất các đường bay phù hợp trong thời gian sân bay Vinh tạm ngưng hoạt động.

Sân đỗ máy bay có tổng diện tích 38.348 m2, hiện đáp ứng 7 vị trí đỗ. Sắp tới, hạng mục này sẽ được cải tạo để bảo đảm khai thác 9 vị trí đỗ cho máy bay thân hẹp (code C), kinh phí 236 tỷ đồng.


Máy móc, thiết bị được huy động để phục vụ thi công.

Cuộc ‘trùng tu’ lần này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho phát triển du lịch, logistics, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm phát triển vùng Bắc Trung Bộ.
Sân bay Vinh trước đây phục vụ chiến tranh. Từ năm 1937-1994, Nhà nước đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đường cất hạ cánh, nhà ga, đường lăn và sân đỗ nhằm nâng cao công suất phục vụ.
Tháng 1/1995, sân bay Vinh khai thác đường bay Hà Nội - Vinh - Đà Nẵng và ngược lại. Tháng 1/2015, nhà ga quốc nội được khánh thành và đến tháng 12/2019 nhà ga quốc tế đi vào hoạt động.
Cảng hàng không quốc tế Vinh có vị trí chiến lược trong giao thương giữa Lào, Thái Lan, Myanmar, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế, du lịch của Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Hiện mỗi ngày, sân bay Vinh khai thác 15 - 20 chuyến của các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines. Cao điểm lễ Tết lên đến 30 - 40 chuyến/ngày. Mỗi năm, sân bay Vinh đón khoảng 2 triệu lượt hành khách, cao nhất là năm 2022 với 2,6 triệu lượt. Sau cải tạo, công suất dự kiến tăng lên khoảng 3,5 triệu khách/năm.