Cận cảnh siêu kế hoạch hồi sinh một TP sau động đất

Một công ty kiến trúc vừa đưa ra bản quy hoạch tổng thể nhằm tái thiết TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) theo hướng ứng phó thiên tai, sau khi TP bị thiệt hại nặng do chuỗi động đất hồi đầu năm 2023.

Với nhiều người, động đất là loại thiên tai khủng khiếp, hiếm khi xảy ra nên họ nhớ rất rõ khoảnh khắc địa chấn xuất hiện và những thiệt hại nó để lại. Đối với người dân ở TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng vậy, chuỗi động đất đầu năm 2023 là ký ức không thể quên và những thiệt hại của nó kéo dài rất lâu.

Vào ngày 6-2-2023, hai trận động đất có cường độ 7,8 và 7,5 độ richter làm rung chuyển khu vực phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria. Hai trận động đất làm hơn 50.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải sơ tán, theo đài CNN.

Liên Hợp Quốc ước tính chi phí tái thiết cho khu vực bị ảnh hưởng lên tới hơn 100 tỉ USD.

 Một phần TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) sau trận động đất đầu năm 2023. Ảnh: AFP

Một phần TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) sau trận động đất đầu năm 2023. Ảnh: AFP

TP Antakya (trước đây gọi là Antioch) – thủ phủ của tỉnh Hatay – là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gần 80% các tòa nhà ở Antakya được đánh giá là hư hỏng nặng đến nỗi không thể sửa chữa được.

Theo ông Nicola Scaranaro – thành viên của công ty kiến trúc Foster + Partners, thiệt hại của chuỗi động đất là “ngoài sức tưởng tượng”. Tháng 7, công ty Foster + Partners đã công bố bản quy hoạch tổng thể để tái thiết, phục hồi TP và để "bảo vệ tương lai" cho TP này trước động đất, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác.

Ông Scaranaro cho biết đây là một mục tiêu không dễ đạt được ở Antakya – một khu vực có lịch sử dễ xảy ra động đất. Theo CNN, chuỗi động đất năm 2023 là lần thứ bảy động đất phá hủy Antakya kể từ khi TP này được thành lập vào thế kỷ IV trước Công nguyên.

Antakya nằm dưới chân núi Habib Neccar trong thung lũng sông Asi. Vị trí gần sông khiến tác động tàn phá của động đất lên TP trở nên trầm trọng hơn do cấu trúc đất của TP bị giảm độ cứng.

Do nằm gần sông Asi, lũ lụt từ lâu cũng là mối nguy hiểm cho người dân Antakya. Foster + Partners ước tính hơn 45.000 người dân của TP có nguy cơ bị lũ lụt ảnh hưởng. Khả năng này có thể tăng lên trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu như hiện nay.

Khả năng phục hồi

Tháng 8-2023, Foster + Partners được Hội đồng Thiết kế Thổ Nhĩ Kỳ giao nhiệm vụ chỉ đạo một nhóm các công ty quốc tế phát triển chiến lược tái thiết khu vực bị động đất ảnh hưởng. Mục tiêu chính của nhóm này là xây dựng chiến lược tái thiết cho Antakya để TP có đủ khả năng phục hồi nếu bị động đất hoặc lũ lụt.

Theo bản quy hoạch được Foster + Partners đưa ra, kiến trúc và thiết kế đường phố sẽ đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại tác động của động đất. Các thiết kế kiến trúc dự kiến tạo nên các tòa nhà nhỏ gọn có khả năng chống chịu với hoạt động địa chấn, tốt so với các công trình hình chữ L lớn và dài, nằm rải rác ở Antakya trước đây.

Lấy cảm hứng từ những khu phố ở Barcelona (Tây Ban Nha), nhà quy hoạch cũng đề xuất tạo lập các siêu khu phố. Các khu phố này có nhiều tuyến đường cấm ô tô, tạo điều kiện cho cứu thương và cứu hộ dễ tiếp cận, cũng như giúp cho người dân dễ thoát hiểm nếu có thảm họa xảy ra.

Ông Scaranaro cho biết cách thiết lập này cũng giúp ích cho chất lượng cuộc sống, vì nó dẫn đến lưu lượng giao thông thấp hơn, giảm ô tô và có nhiều không gian đô thị xanh hơn.

 Hình ảnh về TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) sau khi tái thiết hoàn thành. Ảnh: HỘI ĐỒNG THIẾT KẾ THỔ NHĨ KỲ

Hình ảnh về TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) sau khi tái thiết hoàn thành. Ảnh: HỘI ĐỒNG THIẾT KẾ THỔ NHĨ KỲ

Theo ông Scaranaro, không gian xanh này đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ TP khỏi lũ lụt. Các công viên cũng sẽ được xây dựng khu vực dọc bờ sông, đóng vai trò như một "vùng đệm" tự nhiên khi bờ sông bị ngập và giúp hấp thụ nước lũ.

Mạng lưới không gian xanh và công viên địa phương được trồng các loại cây bản địa, giúp cung cấp môi trường sống quan trọng cho hệ thực vật, động vật và nó hoạt động như "hành lang xanh", cho phép động vật hoang dã di chuyển tự do. Cách tiếp cận này cũng sẽ giúp đạt được mục tiêu là tăng gấp đôi lượng không gian xanh cho người dân.

"Chúng tôi cảm thấy rằng [trước đây] việc tiếp cận các không gian xanh không được quan tâm cho lắm. Nếu chúng ta tôn trọng thiên nhiên và tạo ra hành lang đa dạng sinh học tuyệt đẹp này, chúng ta sẽ mang đến cho TP những tuyến đường dành cho người đi bộ, tuyến đường dành cho xe đạp và không gian xanh đẹp" – ông Scaranaro nói.

Xây dựng lòng tin

Tại Antakya, việc tái thiết theo kế hoạch công ty ông Scaranaro đưa ra dự kiến mất khoảng 10 năm. Nhóm lập kế hoạch của ông Scaranaro muốn tạo lập một bản thiết làm khuôn mẫu cho việc phục hồi các TP bị thiên tai, trong đó, khí hậu được đặt làm trọng tâm.

"Nó [vấn đề khí hậu] phải được đặt lên hàng đầu. Khi chúng ta đọc tin tức, chúng ta nhận thấy rằng có rất nhiều thảm họa thiên nhiên tương tự đang xảy ra. Làm thế nào chúng ta có thể triển khai kế hoạch phục hồi này trước khi có điều gì đó xảy ra?” - theo ông Scaranaro.

Tuy nhiên, mặc dù kế hoạch tái thiết này có thể xem xét trên phạm vi toàn thế giới, nhưng ông Scaranaro nhấn mạnh rằng kế hoạch này chủ yếu được lập cho người dân Antakya.

Dù rất xem trọng việc thiết lập các tính năng mới, việc bảo tồn "tinh thần" của thành phố được các nhà quy hoạch xem là mục tiêu cốt lõi. Đặc biệt, những công dân lớn tuổi đã được mời phỏng vấn để kể lại những ký ức của họ về TP và mong ước của họ về TP trong tương lai.

 Hình ảnh thiết kế về TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) sau tái thiết. Ảnh: CNN

Hình ảnh thiết kế về TP Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) sau tái thiết. Ảnh: CNN

"Tôi không còn tin tưởng những tòa nhà này nữa, vì những tòa nhà này đã phản bội tôi" – một người dân Thổ Nhĩ Kỳ trả lời trong cuộc phỏng vấn.

Câu trả lời này khiến ông Scaranaro có thêm động lực để vẽ nên bản quy hoạch cho Antakya.

"Đây không phải là vấn đề về các tòa nhà; mà là về việc xây dựng lòng tin. Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy như họ đã xây dựng lại nơi này" – ông Scaranaro nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-canh-sieu-ke-hoach-hoi-sinh-mot-tp-sau-dong-dat-post805619.html