Cận cảnh tàu ngầm Sōryū thứ 9 trong biên chế 'Hải quân' Nhật Bản

Theo Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản, hôm 12/3 nước này đã đưa vào biên chế chính thức tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Sōryū thứ 9, trong tổng số 13 tàu đã được khởi đóng.

Buổi lễ biên chế tàu ngầm Sōryū thứ 9 mang số hiệu “SS-509” Seiryū (biệt hiệu Rồng Xanh) được Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) tổ chức tại căn cứ hải quân Yokosuka, dưới sự chủ trì của nhiều quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và JMSDF. Hình ảnh “SS-509” Seiryū trong lễ biên chế chính thức. Nguồn ảnh: JMSDF.

Tàu ngầm Seiryū được Mitsubishi Heavy Industries khởi đóng từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2016 mới được hạ thủy, từ thời gian đó cho đến nay nó trải qua hơn hai năm thử nghiệm trên biển trước khi được biên chế cho JMSDF hôm 12/3 vừa qua. Nguồn ảnh: JMSDF.

Như đã nói ở trên tàu ngầm Seiryū là một trong 13 chiếc tàu ngầm tấn công diesel-điện thuộc lớp Sōryū đã được Nhật Bản khởi đóng, và JMSDF dự kiến sẽ đưa vào trang bị ít nhất 14 chiếc tàu ngầm loại này đến năm 2023. Dựa trên tiến độ công việc hiện tại kế hoạch trên của JMSDF hoàn toàn có thể thực hiện được. Nguồn ảnh: JMSDF.

Hình ảnh thủy thủ đoàn tàu ngầm Seiryū di chuyển lên trên boong tàu trong buổi lễ nhập biên hôm 12/3 vừa qua. Nguồn ảnh: JMSDF.

Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản và JMSDF trong lễ nhập biên tàu ngầm Seiryū. Nguồn ảnh: JMSDF.

Tàu ngầm tấn công thông thường lớp Sōryū là một trong những tàu ngầm tấn công hiện đại nhất của Phòng vệ Trên biển Nhật Bản, chúng được đưa vào trang bị từ năm 2009 và quá trình này kéo dài cho tới tận ngày nay. Nguồn ảnh: JMSDF.

Với vai trò là xương sống của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản, lớp tàu ngầm Sōryū được trang bị các công nghệ hàng hải tiên tiến nhất của nước này. Nổi bật nhất trong số đó là công nghệ AIP và công nghệ ngói chống dội âm, giúp các tàu Sōryū có tính năng kỹ chiến thuật tương đương thậm chí là vượt trội hơn cả lớp tàu ngầm Kilo của người Nga. Nguồn ảnh: twitter.com.

Về thông số kỹ thuật các tàu ngầm lớp Sōryū có lượng giãn nước toàn tải khi nổi là 2.900 tấn, khi lặn là 4.200 tấn, dài 84m, rộng 9,1m, mớn nước 8,5m. Sōryū được trang bị hai động cơ diesel - điện Kawasaki 12V 25/25 và 4 động cơ Stirling V4-275R cho phép tàu hoạt động với tốc độ đến 20 hải lý/h dưới mặt nước, tầm hoạt động hơn 10.000km. lặn sâu đến 500m. Nguồn ảnh: Pinterest.

Tàu ngầm tấn công Sōryū được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm cho phép triển khai ngư lôi hạng nặng Type 89 và đặc biệt là tên lửa chống hạm UGM-84C có tầm bắn tới 140-150km. Nguồn ảnh: Full Frame.

Giá thành của một chiếc tàu ngầm Sōryū trong biên chế JMSDF cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới nếu so với các lớp tàu ngầm cùng loại, vào khoảng 536 triệu USD cho mỗi chiếc chưa tính chi phí vận hành và bảo dưỡng mỗi năm. Nguồn ảnh: The Saturday Paper.

Trong những năm trở lại gần đây Nhật Bản có chính sách nới lỏng việc xuất khẩu các loại vũ khí do nước này tự sản xuất trong nước nhằm giảm bớt giá thành của chúng khi trang bị cho các đơn vị phòng vệ Nhật. Và tàu ngầm Sōryū là một trong những vũ khí được Nhật Bản mời bán nhiều nhất trên thị trường vũ khí thế giới hiện nay. Nguồn ảnh: DefPost.

Do đó trong tương lai gần rất có thể những chiếc tàu ngầm Sōryū không chỉ xuất hiện trong biên chế Phòng vệ Trên biển Nhật Bản mà ở cả những quốc gia cần tới chúng. Nguồn ảnh: Reddit.

Mời độc giả xem video: Bộ đôi tàu ngầm tấn công Sōryū và Oyashio của Phòng vệ Trên biển Nhật Bản trong một đợt tập trận vào năm 2015. (Nguồn yukikazeyochan)

Trà Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/can-canh-tau-ngam-soryu-thu-9-trong-bien-che-hai-quan-nhat-ban-1021944.html