Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh xây gần 10 năm vẫn dang dở.
Dự án Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới hơn 37,8 tỷ đồng. Trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề gần 34 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương.
Dự án được xây dựng trên khuôn viên diện tích hơn 30.000m2, gồm các hạng mục: Nhà tầng dạy lý thuyết, xưởng thực hành,.... dự kiến vào cuối năm 2014 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là 1 trong 10 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu được Bộ LĐ-TB&XH chọn đầu tư thí điểm trong giai đoạn 2012-2015.
Mục đích xây dựng nhằm đảm bảo cơ sở vật chất để dạy nghề trình độ sơ cấp nhằm trang bị cho người học nghề năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề, tạo điều kiện cho người lao động học nghề có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Tuy nhiên sau khi khởi công xây dựng đến tháng 3/2014, dự án dừng lại và “đắp chiếu” vì thiếu vốn. Sau gần 2 năm bị bỏ hoang, đến tháng 2/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương chuyển giao dự án này từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM tiếp nhận để tiếp tục đầu tư, đảm bảo hoàn thành và đưa công trình vào phục vụ năm học 2016 - 2017.
Theo ghi nhận của PV, trong khuôn viên rộng hơn 30.000m2 của dự án nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm, một số khối nhà có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục trơ sắt thép... Để tận dụng khu nhà tiền tỉ nhưng bỏ hoang, người dân xung quanh tận dụng chất rơm rạ cho trâu, bò.
Theo một số người dân địa phương việc dự án kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an ninh trật tự của địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Đối, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ khi chuyển giao đến thời điểm hiện tại đã trên 6 năm. Với cơ sở vật chất được đầu tư như vậy mà không thể đưa vào hoạt động quả là một sự lãng phí rất lớn. Sở cũng đã đề nghị Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM cần phải thực hiện theo đúng cam kết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hoàng Khôi - Giám đốc cơ sở đào tạo Quảng Ngãi, Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM cho rằng, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 kéo dài, mưa bão và khó khăn về nguồn tài chính.
“Ban giám hiệu cũng đã thống nhất xin Bộ Công Thương cho phép nhà trường tiếp tục đầu tư dự án. Dự kiến, trong quý III/2023, trường sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH bắt đầu triển khai xây dựng nơi đây thành cơ sở đào tạo nghề cho công nhân, người lao động. Đồng thời, hướng tới việc trở thành địa điểm đào tạo ngắn hạn, cung cấp lao động cho các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi”, ông Khôi nói thêm.
Nguyễn Ngọc