Ngày 14/9, UBND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch TP cùng các đơn vị liên quan và thống nhất về việc thí điểm tổ chức phố đi bộ Bạch Đằng, với mục tiêu tạo sản phẩm du lịch mới về đêm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để thu hút khách du lịch.
Vị trí triển khai thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng là tuyến đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý có chiều dài 1,2 km, kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi có chiều dài 513,8 m.
Ông Tán Văn Vươn, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết tuyến đường này nằm ở trung tâm Đà Nẵng, giáp bờ tây sông Hàn nên rất thuận lợi để làm phố đi bộ, phục vụ người dân và du khách.
"Tuyến đi bộ gần Công viên APEC và cầu Rồng - một biểu tượng về kiến trúc của Đà Nẵng. Khi hình thành, du khách sẽ được dạo bộ, ngắm cầu Rồng phun lửa/nước vào mỗi tối cuối tuần. Chỉ đi thêm vài chục mét, du khách sẽ đến Công viên APEC để tham quan", ông Vương chia sẻ.
Cũng theo ông Vương, nếu được đầu tư đồng bộ, phố đi bộ Bạch Đằng sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.
Thời gian qua, người dân Đà Nẵng đã xem tuyến đường Bạch Đằng nối dài là nơi tản bộ, thư giãn mỗi sáng sớm và buổi chiều. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở đây chưa được đầu tư xứng tầm.
Phố đi bộ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dự kiến giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 15/12 đến 30/4/2023. Theo đề xuất của sở, dọc tuyến đi bộ sẽ bố trí các điểm check-in, nơi du khách dừng chân tham quan, ngắm cảnh. Ngoài ra, nơi đây còn có 3 cụm sân khấu biểu diễn nghệ thuật...
Giai đoạn 2 dự kiến từ 30/4/2023 đến 31/12/2025, bổ sung các dịch vụ, tiện ích khác phục vụ người dân và du khách.
Dọc tuyến đi bộ có hệ thống lan can để bảo vệ người dân và du khách.
Ông Nguyễn Bình (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết tuyến đường Bạch Đằng gắn liền với các giai đoạn phát triển của Đà Nẵng. Lâu nay, người dân thành phố thường ra đây ngắm cảnh, dạo bộ. Nếu thành phố quy hoạch lại thành phố đi bộ thì quá tốt. Lúc đó, hoạt động vui chơi, biểu diễn nghệ thuật sẽ bài bản chứ không tự phát như hiện nay", ông Bình nói.
"Việc hình thành phố đi bộ sẽ tạo sản phẩm dịch vụ du lịch mới, điểm vui chơi giải trí về đêm, đa dạng hóa loại hình dịch vụ và tiện ích để thu hút khách du lịch và phục vụ cộng đồng", ông Tán Văn Vương cho hay.
Thời gian qua, tuyến đường Bạch Đằng nối dài thường xuyên tổ chức các sự kiện về đêm.
Phố đi bộ nằm trên tuyến đường Bạch Đằng kéo dài, từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý. Ảnh: Google Maps.
Đoàn Nguyên