Cần 'cập nhật' vaccine để ứng phó với biến thể SARS-CoV-2?

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận về việc liệu các chủng biến thể mới có làm giảm hiệu quả các vaccine COVID-19 thế hệ đầu hay không. Tuy nhiên, một số nhà phát triển vaccine vẫn quyết định cập nhật các mũi tiêm để chống lại các chủng biến thể mới hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã phát hiện, chủng biến thể ở Nam Phi, có tên 501Y.V2, mang các đột biến làm giảm hiệu lực của kháng thể trung hòa chống lại virus ở những người đã tiêm vaccine RNA của Pfizer hoặc Moderna. Theo ông Kanta Subbarao, nhà virus học ở Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch, Melbourne, Australia, vẫn chưa rõ những đột biến này có làm giảm hiệu quả nói chung của vaccine hay không vì "chúng tôi không biết người tiêm cần có bao nhiêu kháng thể để chống lại virus" và ngoài kháng thể, vaccine còn tạo ra các cơ chế miễn dịch khác có thể bảo vệ cơ thể.

Ngày 28/1, công ty công nghệ sinh học Novavax đã công bố dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine thế hệ đầu của họ có hiệu quả khoảng 85% đối với chủng biến thể ở Vương quốc Anh - nhưng hiệu quả dưới 50% đối với 501Y.V2. Thử nghiệm này cho thấy rất có thể 501Y.V2 và các biến thể tương tự có thể làm giảm đáng kể hiệu quả vaccine.

“Vaccine sẽ cần được cập nhật. Câu hỏi là tần suất và thời gian cập nhật”, ông Paul Bieniasz, nhà virus học ở Đại học Rockefeller, New York, cho biết.

Các nhà khoa học, quan chức y tế và nhà sản xuất vaccine đang bắt đầu xử lý vấn đề này. Nhưng “việc cập nhật chắc chắn không phải ngay bây giờ”, ông Bieniasz nói, các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu tìm hiểu cách các đột biến khác nhau làm thay đổi phản ứng của vaccine.

Các vaccine COVID-19 hiện có được thử nghiệm giai đoạn III với hàng chục nghìn người tham gia trước khi được cấp phép sử dụng chính thức. Nhưng việc thử nghiệm vaccine cập nhật theo quy trình tương tự sẽ rất chậm và khó khăn, nhất là khi vaccine thế hệ đầu đã đang được triển khai trên khắp thế giới, nhà miễn dịch học Drew Weissman ở Đại học Pennsylvania, Philadelphia, cho biết.

Không rõ cần bao nhiêu dữ liệu lâm sàng để phê duyệt một bản vaccine COVID-19 cập nhật. Vaccine cúm theo mùa mới thường không cần thử nghiệm mới từ đầu, nhưng các cơ quan quản lý và các nhà khoa học không có nhiều kinh nghiệm và dữ liệu lâm sàng với một loại vaccine mới như vaccine COVID-19.

Quy mô và thời gian của các thử nghiệm với vaccine bản cập nhật có thể phụ thuộc vào việc liệu các nhà nghiên cứu có tìm thấy mối tương quan giữa vaccine mới với vaccine thế hệ đầu hay không. Nếu vaccine mới tạo ra các phản ứng tương tự, chẳng hạn như mức kháng thể, thì có thể coi đó như dấu hiệu cho thấy vaccine mới có khả năng chống lại COVID-19. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu chỉ cần phân tích phản ứng sau khi tiêm mà không cần đợi đến lúc người tham gia thử nghiệm bị nhiễm COVID-19 để nhận biết tác dụng của vaccine.

Tuy vậy, thời gian dự kiến để sản xuất, thử nghiệm và xin chấp thuận vaccine phiên bản cập nhật cũng phải mất vài tháng.

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận cơ chế COVAX (cơ sở tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu) đã cung cấp một số lượng nhất định vaccine COVID-19 tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong cuối tuần qua. Tuy nhiên, việc phân phối sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu của nước giàu.

Cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward, xác nhận thông tin trên trong một cuộc họp báo mới đây. Tuy nhiên, theo Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Mariangela Simao, tổ chức này vẫn chưa ước tính được số lượng vaccine có sẵn để cung cấp trong tháng 2 và tháng 3. Theo bà Simao, các trục trặc trong sản xuất có thể khiến số vaccine chuyển cho các nước thấp hơn kỳ vọng.

Trong cuối tuần qua và đầu tuần này, thông tin COVAX bắt đầu cung cấp vaccine giá rẻ đã làm dấy lên sự phấn khởi ở nhiều nước. Tại Đông Nam Á, người dân Philippines và Indonesia không giấu sự vui mừng trước việc sắp được nhận hàng triệu liều vaccine Pfizer/ BioNTech và AstraZeneca.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, nước này sẽ nhận được 5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua cơ chế COVAX. Lô vaccine đầu tiên dự kiến sẽ tới nước này trong quý I năm 2021. Indonesia sẽ nhận từ 13,7 đến 23,1 triệu liều vaccine AstraZeneca, chia thành 2 giai đoạn phân phối.

Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, Đại học Oxford và hãng AstraZeneca vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine ngừa COVID-19 do họ phát triển có khả năng làm giảm mức độ lây nhiễm tới gần 2/3.

Theo báo New York Times, nghiên cứu của Đại học Oxford là công trình nghiên cứu đầu tiên chứng minh vaccine ngừa COVID-19 của họ giúp giảm đáng kể mức độ lây lan virus SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy loại vaccine đó còn giúp phòng ngừa tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn hoặc tử vong.

Tuy nhiên, cần lưu ý là báo cáo nghiên cứu này chưa có sự bình duyệt của người trong giới chuyên môn, một "tiêu chuẩn vàng" để có được sự đánh giá khoa học khách quan và toàn diện hơn.

Một số nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ Doug Brown, Giám đốc điều hành Hiệp hội Miễn dịch học Anh, đang xem xét thông tin nghiên cứu vừa công bố. Họ thận trọng cho rằng cần có thêm những phân tích dữ liệu khác trước khi có thể tuyên bố chắc chắn về những kết luận có ảnh hưởng lớn như thế này.

H.Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/can-cap-nhat-vaccine-de-ung-pho-voi-bien-the-sarscov2/422127.vgp