Cần câu trả lời thỏa đáng về việc cây xanh bật gốc còn nguyên bầu bọc rễ bằng bao tải
Bên cạnh việc xác định trách nhiệm của những người liên quan (nếu có), cơ quan chức năng cần đánh giá những điểm yếu về quy hoạch, quy định quản lý cây xanh đô thị để đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho người dân.
Đi qua bất cứ đâu, bão Yagi cũng để lại hậu quả nặng nề. Khi quét qua Thủ đô Hà Nội, dù sức gió đã giảm đáng kể nhưng chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ quần thảo, cơn bão gây rất nhiều thiệt hại về người và của cải. Sáng 7/9 bước ra đường phố, người dân Hà Nội bàng hoàng vì chưa bao giờ chứng kiến số lượng cây xanh bị đổ gãy nhiều như vậy.
Tính đến ngày 13/9, Sở Xây dựng Hà Nội thống kê địa bàn thành phố có trên 40.000 cây đổ và gãy cành. Trong số này, có hơn 13.600 cây xanh đô thị bị gãy, đổ. Còn hơn 26.300 cây do các khu đô thị, cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã quản lý.
Tại Hà Nội, đã có 2 người tử vong trực tiếp do cây đổ, một số người bị thương và rất nhiều phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng khác bị thiệt hại do cây xanh đổ gãy gây ra. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa những hình ảnh cây cối đổ la liệt khiến người dân tiếc nuối. Đáng chú ý, nhiều hình ảnh cây gãy đổ là cây mới trồng, đang được giằng chống, để lộ bầu rễ bọc bằng bao tải, bằng nilon, hầu hết rễ còn không thể đâm xuyên qua và được trồng trên các hố rất nông.
Bởi vậy, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc trồng cây sai kỹ thuật là nguyên nhân cây xanh đổ hàng loạt. Cũng có chuyên gia nói cho rằng việc đưa cây về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Với sức gió như cơn bão số 3, kể cả cây cối được giằng néo cũng có thể gãy đổ. Và sự việc cây đổ do siêu bão là nằm ngoài tầm kiểm soát của con người nên không ai phải chịu trách nhiệm.
Theo quan điểm pháp luật, khi đã có thiệt hại, bất cứ một thiệt hại nào đều phải đánh giá cẩn trọng, đặc biệt là những thiệt hại về tính mạng con người và tài sản nhà nước. Các tổ chức, cá nhân không tuân thủ hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về trồng, chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, di chuyển cây xanh sẽ bị điều tra và xử phạt theo quy định hiện hành.
Ví dụ Hà Nội là địa phương ít khi có các cơn bão lớn, tuy nhiên nếu có quy định yêu cầu hạ tầng kỹ thuật phải chống chịu được sức gió cấp 12 hoặc cao hơn thì bắt buộc phải tuân theo… Lúc này, nguyên nhân hạ tầng kỹ thuật gãy đổ có thể do hành vi trái pháp luật gây nên.
Theo quy định của pháp luật, việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.
Những ngày vừa qua, Hà Nội vừa phải căng mình để đề phòng chống lũ lụt vừa phải gồng mình để khắc phục hậu quả sau bão. Thiệt hại do cây cối gãy đổ gây ra là quá lớn nên với nguồn lực có hạn, sau gần một tuần, rất nhiều cây gãy đổ trên các tuyến phố lớn vẫn chưa được di chuyển, làm cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường, chủ đề về những gốc cây tiếp tục gây bức xúc trong xã hội.
Khi có thiệt hại thực tế xảy ra và nguyên nhân gây ra thiệt hại còn nhiều ý kiến trái chiều, chính quyền Hà Nội cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình đấu thầu, thi công, giám sát và nghiệm thu đối với các gói thầu trồng cây xanh trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp phát hiện có sai phạm, vụ việc cần phải nhanh chóng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý những người liên quan theo quy định pháp luật. Trong trường hợp không phát hiện sai phạm, đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng khẳng định việc trồng cây, duy tu, bảo dưỡng là đúng quy định, đúng kỹ thuật, thì cũng cần phải công khai thông tin để rộng đường dư luận.
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra, đặc biệt đối với những hoạt động trồng mới, từ khâu quy hoạch, thiết kế, đấu thầu, thi công, giám sát, nghiệm thu… Trong đó cần làm rõ khâu quy hoạch, thiết kế sử dụng loại cây có phù hợp với đô thị hay không, có quy định về chiều cao, đường kính, bầu đất của cây không. Giai đoạn đấu thầu có xảy ra sai phạm hay không. Trong quá trình thi công, giám sát, đơn vị thi công cung cấp đúng số lượng cây, chủng loại, chất lượng cây theo thiết kế hay chưa. Giai đoạn nghiệm thu như thế nào, quá trình chăm sóc cây, bảo hành công trình có đúng quy định hay không. Nếu sai phạm ở giai đoạn nào, hậu quả đến đâu thì phải xử lý, truy cứu trách nhiệm đến đó.
Nhưng nếu sau khi thanh tra, đối chiếu với các quy định mà không có sai phạm thì vẫn phải mổ xẻ để tìm nguyên nhân khách quan để xây dựng các kế hoạch, phương án phòng tránh. Là do các tiêu chuẩn kỹ thuật hay do các quy định pháp luật về quy hoạch, thiết kế, quản lý đã lỗi thời thì phải đánh giá các điểm yếu đó để mà chỉnh lý, sửa đổi cho phù hợp.
Thêm nữa, sau khi điều tra không phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng khẳng định việc trồng cây, duy tu, bảo dưỡng là đúng quy định, đúng kỹ thuật,cũng cần phải công khai thông tin để rộng đường dư luận, tránh những tranh cãi, ý kiến trái chiều trong dư luận.
Theo các dự báo khoa học, do biến đổi khí hậu, thời tiết trong những năm tới có thể cực đoan hơn, xuất hiện siêu bão với tần suất cao hơn. Việt Nam là nước có đường bờ biển dài, nguy cơ đón nhận những cơn bão tương tự là điều không tránh khỏi. Nếu sau mỗi trận bão, Hà Nội lại tan hoang với những cây xanh có bộ rễ trơ trụi thì những ý kiến trái chiều như vừa qua sẽ tiếp tục xuất hiện. Vì vậy, bệnh cạnh xác định trách nhiệm của những người liên quan (nếu có), cơ quan chức năng cần đánh giá những điểm yếu về quy hoạch, quy định quản lý cây xanh đô thị để đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Đây cũng là giải pháp để giảm thiểu những thiệt hại tương tự xảy ra trong tương lai.