'Cần câu vàng' của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương
Phó Đức Phương là một người thực tế. Mỗi bài hát gắn với một đơn đặt hàng. Nhưng ông Phó Đức Phương không phải người thực dụng. Ông thực tế ở chỗ, như ông tâm sự: 'Nhạc sĩ cũng là người, cũng phải sống như mọi người, rồi mới có thể sáng tác được'.
Sáng tác theo đặt hàng nhưng không làm “hàng chợ”
Trong những năm 1995-2000, tôi chơi rất thân với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Một lý do bắc cầu là tôi và nhạc sĩ Xuân Thủy cùng bạn bè ở chung với nhau tại phố Đội Cấn, mà chú Phương, chúng tôi thường gọi như vậy, rất thân với nhạc sĩ Xuân Thủy.
Hầu như tuần nào chú Phương cũng ghé chỗ chúng tôi ở đề nói chuyện trà nước. Cuối tuần chúng tôi thường cà phê ở hồ Ngọc Khánh, đôi khi cũng trà đá vỉa hè. Đó cũng là thời chú Phương viết những tác phẩm như “Trên đỉnh phù vân”, “Chảy đi sông ơi”, rồi “Về quê”… Một thời điểm thăng hoa trong nghệ thuật sáng tác của Phó Đức Phương.
Nhạc sĩ Xuân Thủy nói với tôi: “Chú Phương nhận nhiều hợp đồng sáng tác, dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và phần lớn sản phẩm đều đạt huy chương!”. Cái tài cái duyên khiến cho công việc Phó Đức Phương bận rộn. Nhưng điểm khác biệt của Phó Đức Phương với một số người khác, là nhạc sĩ không gửi sản phẩm theo kiểu trả bài, nhận tiền đặt hàng mà phải viết. Đối với ông, đơn đặt hàng chẳng khác gì một cơ hội bằng vàng để đem tác phẩm mình tới cho công chúng. Ông không bao giờ viết kiểu... hàng chợ, trả bao nhiêu tiền thì chất lượng bấy nhiêu. Cần câu cơm của chú Phương thì được vì là "cần câu vàng" vì tác phẩm có sự tham gia của chú thường hay được giải vàng, "câu được vàng!".
Nói vậy chứ làm việc với chú Phương không hề đơn giản. Các ca sĩ nói với chúng tôi: “Làm việc với chú Phương vừa mừng vừa sợ. Mừng vì được chú chỉ bảo, sợ vì lo làm không đúng ý chú”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương có thói quen làm việc kỹ với ca sĩ trong phòng thu âm, đưa ra các phương án xử lý từng câu chữ. Khi Mỹ Linh “nổi sóng” với “Trên đỉnh phù vân”, nhạc sĩ nói với tôi: “Mình phải uốn nắn, chỉ bảo Mỹ Linh từng nốt nhạc, luyến láy thể nào, xử lý thế nào. Linh là một người có tài, có tố chất hiếm, nhưng dù sao bạn ấy cũng còn rất trẻ. Mình lại thích và cần chất trẻ của các bạn ấy trong tác phẩm của mình”. Những ngày nằm trên giường bệnh mới đây, khi Mỹ Linh tới thăm, ông vẫn còn hướng dẫn, nắn nót từng nốt nhạc cho Mỹ Linh!
Có lẽ với nhiều người thì khái niệm “ca sĩ” trong Phó Đức Phương "không tồn tại", vì ông thường yêu cầu các ca sĩ hát theo cách mà ông muốn. Nhưng sâu xa hơn, ông nói rằng "các ca sĩ không đủ thời gian để hiểu, để ngấm tác phẩm, mà một tác phẩm cần đứng được với thời gian, cần đến sự cầu kỳ. Cần có sự thấu hiểu của ca sĩ và nhạc sĩ".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, chính nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng, lúc thu âm ca khúc của ông, ca sĩ Minh Thu đã khóc vì quá vất vả, nhưng nhạc sĩ không nói gì, cứ như không nhìn thấy. Tính ông là vậy. Ông muốn các ca sĩ vượt lên chính bản thân mình và tìm những điều mới mẻ cho họ.
“Tướng quân” bản quyền
Ca sĩ Minh Thu đã thông báo cho tôi về sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Tôi bùi ngùi vì lòng muốn ra thăm nhạc sĩ mà vì COVID-19, đi lại khó khăn nên đã không kịp gặp chú. Lúc cách ly xã hội, tôi nhắn tin hỏi thăm, nhưng chú không trả lời!
Tôi không bao giờ quên những ngày tháng Phó Đức Phương thai nghén dự án thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Lúc ấy, hầu như ngày nào ông cũng chỉ nói chuyện về vấn đề tác quyền. Chúng tôi cũng “bị kéo” theo câu chuyện tác quyền mỗi ngày, có khi ở nhà tranh luận không xong, ra tận quán cà phê tranh luận tiếp.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Khi Việt Nam tham gia WTO, vấn đề tác quyền được thế giới quan tâm, là bộ mặt quốc gia, đồng thời, đây cũng là thời cơ để xây dựng chế độ tác quyền cho giới âm nhạc Việt Nam”.
Hồ hởi là thế, nhưng nhiều hôm, nhạc sĩ ghé chỗ chúng tôi, rầu rĩ bảo: “Nhiều người chất vấn tôi là thành lập trung tâm bản quyền để làm gì? Để bảo vệ quyền lợi cho nhạc nước ngoài à? Động cơ mục đích của anh là gì? Anh có hiểu tác phẩm nghệ thuật của chúng ta viết ra là để phục vụ nhân dân hay không?”. Nhạc sĩ thở dài: “Chúng tôi không có gạo ăn thì làm sao mà phục vụ được nhân dân cơ chứ!”. Rồi ông nói với chúng tôi: Thử đếm xem số nhạc sĩ ăn lương, làm công chức thì được bao nhiêu người? Phần đông anh chị em cô bác còn lại, họ sống bằng gì nếu tác phẩm không được trả tiền tác quyền!
Có khi, đi gặp nhiều nhạc sĩ về, nhạc sĩ Phó Đức Phương lại bảo: “Nhiều người, kể cả lãnh đạo hội và nhạc sĩ lão thành không tin rằng chúng ta có thể đòi được tiền bản quyền. Vì lâu nay, cứ phát miễn phí trên sóng, hát miễn phí trên sân khấu quen rồi. Làm sao mà thu được tiền! Có người lại sợ mình là nhạc sĩ mà đi đòi tiền thì cũng hơi mất thể diện”.
Thế đấy, nhạc sĩ cứ bị dội những gáo nước lạnh, mà lẽ ra người khác thì nhiệt huyết đã tắt ngấm rồi. Nhưng với Phó Đức Phương thì khác, ông chưa bao giờ bỏ cuộc.
Mặt khổ
Theo báo cáo, trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu là hơn 133 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018. Trong đó, số tiền thu tại khu vực phía Bắc là hơn 43 tỷ đồng và tại chi nhánh phía Nam là hơn 90 tỷ đồng.
Làm việc với văn phòng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phía Nam tôi được lãnh đạo văn phòng cho biết “Nhờ tiền tác quyền mà nhiều tác giả có được nguồn thu ổn định, nhiều người mất đi, con cháu vẫn được hưởng tiền tác quyền”. Việc gia đình các nhạc sĩ tới nhận tiền tác quyền hàng trăm triệu đồng không là chuyện hiếm. Chạnh lòng lại nhớ đến những ngày chú Phương bị một vài bậc đàn anh mắng mỏ rằng: "Nhạc sĩ mà cứ lăn tăn chuyện tiền bạc làm gì cơ chứ! Chúng tôi sáng tác vì đam mê".
Bây giờ, nhiều nghệ sĩ trong các lĩnh vực khác, thậm chí các nhà văn, lại mơ ước trong lĩnh vực của mình có một người như Phó Đức Phương, một người vài chục năm trời đi đòi tiền tác quyền cho anh chị em. So với lĩnh vực sách vở thì in ấn sách lậu hiện rất phổ biến còn băng đĩa lậu giảm nhiều. Một giám đốc nhà sách bảo: "Ước gì ông Phó Đức Phương là một nhà văn!".
Có lần, chương trình biểu diễn lớn của nghệ sĩ tiếng tăm tổ chức tại Đà Nẵng, đích thân Phó Đức Phương tới tận nơi để “đòi tiền tác quyền” âm nhạc. Ông chỉ sợ rằng người ta diễn xong, sẽ “không cánh mà bay”. Chương trình ấy không hề diễn bài nào của Phó Đức Phương, là ông đi đòi tiền cho các nhạc sĩ khác.
Các nhạc sĩ như Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Văn Chung… đều ủng hộ Phó Đức Phương. Nhiều người trong giới âm nhạc bảo rằng “Phương đóng khuôn mặt khổ ải như thế, đi đòi tiền là hợp!”.
Không, Phó Đức Phương nhiều lần tâm sự rằng ông; “Chú chỉ thích đi du lịch, sáng tác theo những gì mình thích”.
Dấu ấn
Có mấy ai “viết theo đơn đặt hàng” mà tác phẩm để đời như Phó Đức Phương?
Tác phẩm “Hồ trên núi”, ông viết cho phim tài liệu Sông nước quê hương (1971), “Trên đỉnh Phù Vân” là ca khúc viết cho vở kịch "Yêu trên đỉnh Phù Vân" của Đoàn kịch Hải Phòng vào năm 1995. “Chảy đi sông ơi” sáng tác vào năm 1997, cho vở kịch "Thuyền lá" của Nhà hát Kịch Việt Nam, bài “Về quê” ông viết cho Đoàn quan họ Bắc Ninh đi hội diễn toàn quốc (1998),
Phó Đức Phương là một người thực tế. Mỗi bài hát gắn với một đơn đặt hàng. Nhưng ông Phó Đức Phương không phải người thực dụng. Ông thực tế ở chỗ, như ông tâm sự: “Nhạc sĩ cũng là người, cũng phải sống như mọi người, rồi mới có thể sáng tác được”.
Ông làm gì cũng muốn đạt được sự toàn mỹ, như một vở kịch mà ông viết nhạc thì phần nhạc rất cầu kỳ, rất tình tứ. Mỗi ca khúc, dù đặt hàng, cũng trau chuốt từ lời, từng nốt nhạc. Đó là một vẻ đẹp hết sức nghệ thuật, nhưng nó lại khoác trên mình chiếc áo “đặt hàng”.
Việc sáng lập và điều hành nhiều năm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của Phó Đức Phương cũng chính là sự thể hiện tính cách “thực tế mà không thực dụng” của Phó Đức Phương. Ông không bảo vệ tác quyền cho bản thân mình mà còn bảo vệ tác quyền cho tất các các nghệ sĩ khác nữa.
Ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ tin nhạc sĩ Phó Đức Phương mất với tôi và nói rằng: “Những bậc cây đà cây đề cứ dần ra đi!”.
Có lần, chúng tôi ngồi cà phê vỉa hè và nghe người xẩm mù mưu sinh, kiếm sống bằng bài hát “Về quê” của Phó Đức Phương với những câu: “Ơi quê ta bánh ta bánh đúc/ Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt/ Nơi tuổi thơ ta trài qua đẹp như giấc mơ…”. Bài hát cất lên xao xuyến lòng người, Tác phẩm từ kịch, từ đơn đặt hàng đã đi ra cuộc sống như nó chính là cuộc sống.
Một người bạn của chúng tôi thốt lên rằng: “Ôi! Phó Đức Phương! ông có thể biến ca khúc của mình thành cần câu cơm cho cả những người lang thang cơ nhỡ!”.