Cần chấn chỉnh kịp thời đối với các cơ sở đại học cố tình giấu thông tin trước mùa tuyển sinh

Hiện nay, yêu cầu bắt buộc công khai thông tin liên quan đến điều kiện đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, thông tin việc làm của sinh viên sau khi ra trường..., tuy nhiên vì có nhiều sai phạm nên các nhà trường đã tìm cách che giấu thông tin, không thực hiện theo đúng quy định trong mùa tuyển sinh.

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Hiện nay, việc các trường đại học bắt buộc phải công khai thông tin trước lúc tuyển sinh là điều bắt buộc. Đối với các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rõ ràng, các nhà trường buộc phải thực hiện. Đó là thực hiện báo cáo 3 công khai và công khai đề án tuyển sinh hằng năm.

Cụ thể, tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT yêu cầu các trường đại học phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế. Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên. Công khai thu chi tài chính. Bộ yêu cầu các nhà trường công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.

 Trước khi đăng ký theo học tại một trường đại học, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan về nhà trường để lựa chọn sáng suốt.

Trước khi đăng ký theo học tại một trường đại học, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan về nhà trường để lựa chọn sáng suốt.

Trong công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rất rõ, như công khai liên quan đến đội ngũ giảng viên cơ hữu, Bộ yêu cầu số lượng xếp theo các khối ngành và môn chung có phân biệt theo chức danh, trình độ đào tạo và hạng chức danh nghề nghiệp, danh sách chi tiết giảng viên cơ hữu theo khối ngành, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi theo từng khối ngành.

Sơ lược lý lịch của giảng viên với các thông tin như họ và tên (kèm theo ảnh), tuổi đời, thâm niên giảng dạy, chức danh, trình độ chuyên môn, công trình khoa học, kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu trong nước và quốc tế, các bài báo đăng tải trong nước và quốc tế; thông tin về họ và tên học viên, nghiên cứu sinh mà giảng viên đã hướng dẫn bảo vệ thành công trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tóm tắt đề tài nghiên cứu, thời gian thực hiện. Số lượng giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng; hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo và bồi dưỡng trong năm học và 2 năm tiếp theo.

Đối với đề án tuyển sinh, Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định như sau: "Cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Đề án tuyển sinh phải chứa đầy đủ thông tin làm căn cứ để:...."

Theo đó, cơ sở giáo dục đại học bắt buộc phải công bố đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Trong đó, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo có những nội dung thông tin giới thiệu về cơ sở giáo dục đại học, các ngành và chương trình đào tạo, thông tin về quyết định mở ngành, ngôn ngữ đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp, kết quả kiểm định chất lượng. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trên tổng số nhập học. Tỷ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp…

Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh kèm theo công bố đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và qua các hình thức thích hợp khác trước khi mở đăng ký dự tuyển của đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày; trường hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trước ít nhất 15 ngày.

Quy định rõ ràng như vậy nhưng không phải trường nào cũng thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua tìm hiểu có thể thấy, đối với công khai đề án tuyển sinh, không mấy trường tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có những trường công khai theo mẫu tự sáng tạo, cố tình che giấu thông tin sai phạm. Có những trường đề án tuyển sinh “giấu kín”, khi phóng viên hỏi về đề án tuyển sinh thì ấp úng, tìm cách không trả lời. Tất cả chiêu trò đó cũng vì mục đích giấu thông tin không tích cực để tuyển sinh được nhiều.

Anh Trần Ngọc Đức ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng, việc giấu thông tin hay tìm cách gây khó khăn đối với phụ huynh, học sinh trong việc tiếp cận thông tin liên quan đến công tác đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng, thông tin về vị trí việc làm của sinh viên sau khi ra trường… chính là một sự gian dối. “Vì muốn tuyển sinh được nhiều mà tìm cách giấu thông tin, gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh trong việc tiếp cận thông tin cần chế tài xử lý mạnh, tránh việc quy định một đường, làm một nẻo” – anh Trần Ngọc Đức nêu.

Đến nay, trong khi đề án tuyển sinh của các nhà trường đã công bố thì việc công bố 3 công khai mới được ít trường thực hiện. Ngay cả những trường đại học lớn cũng không theo đúng yêu cầu của bộ. Trong Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường công khai các thông tin liên quan đến công tác đào tạo, đội ngũ giảng viên, thu chi tài chính của nhà trường trong tháng 6 hàng năm. Thông tin về ba công khai là những thông tin rất quan trọng để phụ huynh, học sinh căn cứ vào đó để đăng ký theo học. Nhưng việc chậm công khai cũng là cách để giấu thông tin.

Cần xử lý người đứng đầu

Thực trạng nhà trường cố tình giấu thông tin, hạn chế để càng ít người biết thông tin về nhà trường liên quan đến công tác đào tạo, chất lượng đào tạo cần thiết phải được chấn chỉnh kịp thời. Theo ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước nên thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc để có những chấn chỉnh kịp thời, không thể để tình trạng ngại công khai, khi công khai thông tin phản ánh đúng thực tiễn, cố tình nhầm lẫn trong số liệu.

Vị này cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm đến thông tin về kết quả đào tạo hằng năm của các nhà trường, xem có báo cáo chuẩn xác, phản ánh đúng chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đó hay không. Cần khảo sát và đánh giá một cách trung thực về chất lượng đào tạo, xem nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp ra trường, có được xã hội đón nhận, năng lực, kiến thức có đủ đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động hay không?

“Trên thực tế, đâu đó vẫn có tình trạng công khai chưa phản ánh đúng thực chất về điều kiện thực tế của nhà trường. Đó chính là thể hiện cho sự không trung thực và khách quan so với bản thân nguồn lực của nhà trường” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống đánh giá, có nhiều nhà trường như chỉ đang thực hiện một cách “đối phó” trước các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Tôi cho rằng, trách nhiệm giải trình trước xã hội cũng đồng thời thể hiện được điều kiện thực tế của nhà trường. Mỗi người lãnh đạo phải có suy nghĩ làm sao thể hiện được những thông tin trung thực, khách quan, giúp xã hội đánh giá đúng về cơ sở giáo dục, đồng thời, tạo sự tiến bộ để cải thiện những thông tin đó ngày một tốt lên” – ông Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Như vậy, qua ý kiến của các chuyên gia có thể thấy việc không công khai, công khai muộn, công khai sai, cố tình dùng các thủ thuật để phụ huynh, học sinh không tiếp cận được thông tin là cách thức thể hiện sự thiếu minh bạch, giấu sai phạm, đưa thông tin sai sự thật nhằm trục lợi trong tuyển sinh. Những việc làm như vậy của các cơ sở giáo dục đại học cần thiết phải được xử lý nghiêm khắc, tránh tình trạng quy định một đằng thực hiện một nẻo mà không có giám sát.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-chan-chinh-kip-thoi-doi-voi-cac-co-so-dai-hoc-co-tinh-giau-thong-tin-truoc-mua-tuyen-sinh-post303020.html