Cần chế tài đủ sức răn đe
Ngày 15-7, Công an thành phố Đà Nẵng phá thành công một đường dây cá độ bóng đá qua mạng Internet do đối tượng Trần Viết Nghĩa (34 tuổi, trú tại 376 Trưng Nữ Vương, thành phố Đà Nẵng) chủ mưu, điều hành với tổng số tiền cá cược lên đến trên 32 triệu USD, tương đương 650 tỷ đồng. Ngày 2-7, Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá đường dây đánh bạc liên tỉnh trên mạng Internet với số tiền trên 20.000 tỷ đồng...
Những vụ việc trên khiến dư luận thêm lo ngại về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng diễn biến phức tạp, gây ra sự bất ổn về trật tự xã hội.
Mặc dù liên tiếp bị triệt phá, nhưng đánh bạc trên mạng đang có chiều hướng ngày càng phức tạp, với diễn biến tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ, hậu quả.
Điển hình như ngày 22-5, Công an thành phố Hà Nội bắt giữ Trương Ngọc Tú (sinh năm 1983, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cùng 15 đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng. Tổng số tiền các con bạc nướng vào đường dây này lên tới 64.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia tội phạm cảnh báo, với tốc độ phát triển Internet nhanh như hiện nay, không thể phủ nhận việc tội phạm mạng xuất hiện ngày càng phổ biến, dưới nhiều hình thức nếu các công cụ pháp luật không kiểm soát kịp thời.
Bên cạnh đó, với công nghệ điện toán đám mây, không gian mạng “không có biên giới”, hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến ngày càng trở nên dễ dàng, thu hút nhiều người tham gia, dễ câu kết với nhau và có thể vi phạm ở nhiều nơi trong một quốc gia hoặc xuyên quốc gia.
Thực tế từ những đường dây đánh bạc qua mạng bị triệt phá trong thời gian qua cho thấy, tổ chức tội phạm rất tinh vi, hoạt động kín kẽ, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng xác minh, điều tra, khám phá. Chủ thể tội phạm thực hiện trên không gian mạng, có thể ở một nơi nhưng lại gây ra hậu quả toàn cầu, do đó rất khó xác định chủ thể để truy nguyên và bắt giữ vì rào cản về không gian mạng và lãnh thổ.
Các đường dây đánh bạc trên mạng hầu hết đều có máy chủ đặt ở nước ngoài. Các đối tượng trong đường dây giao dịch theo từng cấp đại lý. Thế nên, trong các vụ đánh bạc được khám phá, cơ quan chức năng mới bắt được các đối tượng mua tài khoản để mở đại lý hoặc các đối tượng đại lý cấp một, cấp hai...
Trong khi đó, hành lang pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn còn thiếu, nhiều quy định chồng chéo, hoặc chưa thể lường hết những hành vi của tội phạm công nghệ cao, khiến cơ quan tố tụng lúng túng khi xử lý những vụ việc này.
Rõ ràng, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, đòi hỏi điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên ngành về công nghệ thông tin để xử lý loại án này.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, ngoài việc khẩn trương bổ sung, ban hành các văn bản quy định pháp luật liên quan đến tội phạm công nghệ cao, cần xử lý nghiêm tội phạm đánh bạc qua mạng. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất của tội đánh bạc là 7 năm tù và 10 năm tù với hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc; mức phạt này thực sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nếu thiếu công cụ kiểm tra, giám sát, cũng như chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe sẽ làm cho tội phạm mạng ngày càng hoạt động mạnh, tinh vi.
Để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn đánh bạc trên mạng, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đồng thời, tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế trong đấu tranh, chống và phòng ngừa tội phạm công nghệ cao.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-che-tai-du-suc-ran-de-post430947.html