Cần chế tài mạnh hơn với các vi phạm như Thơ Nguyễn
Luật sư cho rằng mức phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với vi phạm của chủ kênh TikTok Thơ Nguyễn chưa đủ sức răn đe hay ngăn hành vi tương tự tái diễn.
Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Dương đã phạt 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị Hồng Thơ, chủ kênh TikTok Thơ Nguyễn, do vi phạm quy định về cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan.
Ngày 27/2, Thơ Nguyễn đăng video có nội dung “xin vía học giỏi” trên TikTok gồm 2 phần. Phần 1 là nội dung gây tranh cãi, phần 2 là video “đính chính” với các em nhỏ. Cơ quan chức năng xác định việc làm của Thơ Nguyễn đã gây hiểu nhầm trong dư luận.
Nói về vi phạm của Thơ Nguyễn và chế tài xử phạt, luật sư Lê Hằng, Công ty luật TAT Law Firm (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhận định cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Thơ rất kịp thời, nhằm ngăn chặn việc tái vi phạm.
Theo bà Hằng, Luật Tín ngưỡng và tôn giáo 2016 nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm hại đến cá nhân và đạo đức xã hội. Còn việc lợi dụng tín ngưỡng nhưng có dấu hiệu mê tín dị đoan như lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác như YouTuber Thơ Nguyễn là hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Đặc biệt, luật sư phân tích người vi phạm các quy định khi sử dụng mạng xã hội như cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy hủ tục, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ.
Tuy nhiên, luật sư Hằng cho rằng mức phạt hành chính đối với Thơ Nguyễn trong trường hợp này chưa đủ sức răn đe, mới chỉ nhằm cảnh báo những hành vi có tính chất tương tự xuất hiện trên không gian mạng.
Luật sư kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét việc người vi phạm có hành vi tái phạm hay không. Nếu có căn cứ xác định chủ tài khoản tái phạm, thu lợi bất chính 50-200 triệu đồng, gây thiệt hại 100-500 triệu đồng hoặc làm giảm uy tín của tổ chức, cá nhân thì có thể xử lý hình sự với chế tài mạnh hơn, gồm phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cũng theo luật sư Hằng, Luật Trẻ em 2016 và Luật An ninh mạng 2018 đặt ra nhiều quy định để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Khi hoạt động trong môi trường Internet, doanh nghiệp và cá nhân phải kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em; phải xóa thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em và kịp thời thông báo với lực lượng chuyên trách để xử lý thông tin độc hại đối với trẻ.
Do đó, để ngăn chặn những nội dung độc hại làm ảnh hưởng đến đối tượng là trẻ em khi tiếp cận mạng xã hội, luật sư nhấn mạnh các cơ quan quản lý Nhà nước cần có văn bản yêu cầu chủ quản của các mạng xã hội như YouTube hay TikTok phải có những hoạt động cụ thể với video độc hại cho trẻ em.
Ví dụ như cần gỡ bỏ ngay khi phát hiện thông tin độc hại, thêm nhiều bộ lọc kiểm duyệt clip có nội dung xấu. Đặc biệt, khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt hành chính hoặc hình sự đủ mạnh để đảm bảo sự răn đe.
Thơ Nguyễn sinh năm 1992, được biết đến là một YouTuber sinh sống tại Bình Dương. Cô có 3 kênh thông tin trên mạng gồm: YouTuber Thơ Nguyễn với 8,7 triệu lượt người theo dõi; TikTok Thơ Nguyễn với 900.000 lượt theo dõi và Fanpage Facebook Thơ Nguyễn với 400.000 lượt follow.