Cần chiến lược đào tạo nghề linh hoạt, sát thực tế doanh nghiệp

Trong bối thị trường đang 'khát' nguồn nhân lực, nhiều trường nghề hiện đang từng bước chuyển mình với sự dịch chuyển từ nhu cầu xã hội.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế để hiểu hơn về những cơ hội, thách thức hiện nay trong quá trình đào tạo nghề cũng như những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng ‘hệ sinh thái mở’ trong đào tào nghề

-Thưa ông, hiện nay, trường đang đào tạo những ngành nghề thế mạnh nào và nhà trường đã triển khai những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo những ngành này thích ứng với nhu cầu thực tiễn?

Ông Lê Văn Luận: Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Huế CIC) là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu của ngành Công Thương, với bề dày hơn 125 năm và chiến lược phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh tự chủ giáo dục, chuyển đổi số và nhu cầu nhân lực mới. Hiện nay, Huế CIC xác định bốn trụ cột kỹ thuật trọng tâm. Thứ nhất là Công nghệ kỹ thuật ô tô, ngành đạt chuẩn khu vực ASEAN, tuyển sinh ổn định 100-150 chỉ tiêu mỗi năm, giáo trình biên soạn chung với các trường Thái Lan, Lào, và hệ thống thực hành hiện đại.

Ông Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Ảnh: Ngọc Hoa

Ông Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Ảnh: Ngọc Hoa

Thứ hai là Điện - điện tử và Tự động hóa, hướng đến khả năng làm chủ PLC (có khả năng sử dụng, lập trình, và bảo trì các thiết bị PLC để tự động hóa các quy trình công nghiệp), robot hàn, dây chuyền đóng gói.

Thứ ba là ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, phục vụ trực tiếp nhu cầu lạnh công nghiệp và logistics chuỗi lạnh. Cuối cùng là Công nghệ thông tin - Thương mại điện tử, đào tạo lập trình viên nhúng, quản trị hệ thống, phục vụ chuyển đổi số ngành Công Thương.

Dù hàng năm trường đã cung ứng một lượng lớn nhân sự cho ngành Công Thương nói chung và thị trường lao động nói chung. Tuy nhiên, nhu cầu thực tiễn các ngành kỹ thuật hiện nay là rất lớn, trong khi, số lượng tuyển sinh của các trường gần như còn hạn chế. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế vẫn là thách thức. Do đó, chúng tôi xây dựng “hệ sinh thái đào tạo mở”, trong đó doanh nghiệp tham gia từ khâu xây dựng chương trình, giảng dạy đến đánh giá đầu ra.

Nhà trường hiện hợp tác với các tập đoàn như LG, Panasonic, Mitsubishi, Z-Tek… để sinh viên được thực tập có lương, làm đúng chuyên ngành. Đồng thời, chúng tôi tăng cường dự báo thị trường lao động để kịp thời điều chỉnh định hướng đào tạo, điển hình là chuyển từ công nghệ ô-tô truyền thống sang ô-tô điện, điện tử công nghiệp, kỹ thuật điều khiển,…những ngành đang “khát” nhân lực thực sự.

-Trong bối cảnh các ngành kỹ thuật đòi hỏi ứng dụng thiết bị công nghệ cao, vậy nhà trường gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình đào tạo?

Ông Lê Văn Luận: Lợi thế lớn nhất của chúng tôi là thương hiệu 126 năm, được người dân ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tin tưởng, cùng vị thế là cơ sở trực thuộc Bộ Công Thương nên có điều kiện tiếp cận chính sách ngành, các dự án ODA hỗ trợ thiết bị đào tạo nghề. Nhờ vậy, nhiều phòng thực hành của trường như xưởng cơ - điện tử, mô phỏng điều khiển số đã được đầu tư từ các chương trình hợp tác với Đức, Nhật.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là bài toán tự chủ tài chính. Những thiết bị như máy CNC, dây chuyền tự động hóa, robot ABB, mô-đun pin lithium… đều có giá trị hàng chục tỷ đồng, trong khi ngân sách không thể bao cấp lâu dài. Trường phải xoay xở bằng cách huy động doanh nghiệp tài trợ từ 30-50 % chi phí, thuê-mua thiết bị theo giờ và tổ chức dịch vụ kỹ thuật để tái đầu tư.

Một điểm nghẽn khác là chế độ đãi ngộ cho giảng viên giỏi. Lương và thu nhập hiện nay khó cạnh tranh với khu vực sản xuất, trong khi nghề dạy nghề lại cần “người thợ truyền nghề” thực thụ. Chúng tôi đang khắc phục bằng các cơ chế linh hoạt như quỹ nghiên cứu, giờ dạy ngoài, dự án hợp tác doanh nghiệp… nhưng về lâu dài, rất cần sự vào cuộc từ Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội để có chính sách đặc thù, hỗ trợ trường nghề trọng điểm tiếp tục giữ vững chất lượng đào tạo.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế vẫn duy trì ổn định nhờ nền tảng thương hiệu hơn 125 năm, uy tín với người dân miền Trung. Ảnh: HUEIC

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế vẫn duy trì ổn định nhờ nền tảng thương hiệu hơn 125 năm, uy tín với người dân miền Trung. Ảnh: HUEIC

Kết nối chiến lược trong toàn hệ sinh thái đào tạo nghề

-Thưa ông, trong bối cảnh tuyển sinh ở các trường nghề hiện nay gặp nhiều thách thức, nhà trường đã có giải pháp gì để thu hút người học?

Ông Lê Văn Luận: Tuyển sinh luôn là vấn đề đau đầu của các trường nghề nói chung và nhà trường nói riêng. Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh, chúng tôi đã phải triển khai bằng nhiều cách như tư vấn trực tiếp tại các điểm trường, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn… Đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường cũng tiếp sức nhiều trong công tác tuyển sinh. Và đặc biệt, nhà trường cũng đã chú trọng nâng cao hiệu quả truyền thông tuyển sinh…

Truyền thông, với chúng tôi, không đơn thuần là quảng bá tuyển sinh mà là một phần trong chiến lược phát triển của nhà trường. Chúng tôi đang xây dựng hệ sinh thái truyền thông đa kênh: từ fanpage chính thức, TikTok, YouTube cho đến các chương trình cộng đồng như “sửa xe miễn phí”, “điện sáng bản làng” những hành động cụ thể giúp người dân thấy rõ giá trị thật của giáo dục nghề.

Truyền thông cần gắn với thực tiễn. Sinh viên chúng tôi không chỉ học ở giảng đường mà còn xuống vùng lũ giúp bà con sửa chữa điện dân dụng, thiết bị lạnh; đó vừa là bài học chuyên môn, vừa là bài học sống. Khi người dân nhìn thấy con em họ có thể làm được việc, biết giúp ích cộng đồng, thì niềm tin vào trường nghề sẽ tự nhiên mà đến.

Tôi cho rằng, truyền thông ngành Công Thương nói chung và các trường nghề trực thuộc nói riêng cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí, đồng thời có chiến lược dài hơi hơn, kết nối giữa Bộ - Sở - trường - doanh nghiệp - sinh viên. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, muốn làm được, phải có nội dung xác thực, có kênh truyền tải hiệu quả và có người “thổi hồn”, tức là những người làm nghề một cách đàng hoàng và tử tế.

-Trong bối cảnh thực tiễn cần nguồn nhân lực chất lượng, nhà trường đã chuẩn bị gì để thích ứng với sự chuyển dịch của ngành Công Thương trong giai đoạn tới?

Ông Lê Văn Luận: Khảo sát khóa 2022 cho thấy 92% sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng tại Huế CIC có việc làm đúng chuyên ngành trong vòng sáu tháng, với mức lương khởi điểm từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng. Các ngành kỹ thuật như công nghệ ô tô, điện - điện tử, tự động hóa, kỹ thuật lạnh - điều hòa hay công nghệ thông tin - thương mại điện tử đều có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, không chỉ từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp VSIP Huế, các tập đoàn lớn như Toyota, Samsung, LG, ABB mà còn từ các doanh nghiệp logistics, da giày, dệt may trong và ngoài ngành Công Thương.

Ngoài ra, nhiều sinh viên lựa chọn hướng khởi nghiệp kỹ thuật như mở xưởng sửa xe, điện lạnh hoặc công ty lắp đặt IoT cho nông nghiệp công nghệ cao, được nhà trường ươm tạo và hỗ trợ vốn lên tới 100 triệu đồng/dự án. Để đảm bảo đầu ra, trường triển khai mô hình đào tạo luân phiên, học một kỳ lý thuyết, một kỳ thực tập lương tại doanh nghiệp.

Đồng thời ký kết hơn 400 biên bản hợp tác, tổ chức ngày hội tuyển dụng định kỳ và tích hợp đào tạo kỹ năng mềm, tiếng Anh chuyên ngành theo chuẩn công nghiệp. Trong giai đoạn 2025-2030, nhận định ngành Công Thương sẽ chuyển dịch mạnh theo ba hướng: công nghiệp hóa bền vững, logistics xanh và số hóa toàn diện, Huế CIC đã chủ động xây dựng các ngành mới như kỹ thuật môi trường, đường sắt đô thị, điều khiển số, IoT và AI trong công nghiệp.

Dù tuyển sinh nghề đang đối mặt nhiều khó khăn, trường vẫn duy trì ổn định nhờ nền tảng thương hiệu hơn 125 năm, uy tín với người dân miền Trung. Song, để đi xa hơn nữa, cần sự phối hợp chính sách giữa Bộ ban ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và sự kết nối chiến lược trong toàn hệ sinh thái đào tạo nghề ngành Công Thương.

-Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thiết thực!

Theo ông Lê Văn Luận, truyền thông ngành Công Thương nói chung và các trường nghề trực thuộc nói riêng cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí, đồng thời có chiến lược dài hơi hơn, kết nối giữa Bộ - Sở - trường - doanh nghiệp - sinh viên.

Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-chien-luoc-dao-tao-nghe-linh-hoat-sat-thuc-te-doanh-nghiep-409610.html