Cần chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão, lụt
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 3-11 về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp xanh, sạch; về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, nhất là trong phòng, chống thiên tai.
Nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) bày tỏ quan tâm đến vấn đề quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thời gian qua. Đại biểu nhắc đến phản ánh của cử tri và nhân dân về tình trạng phức tạp của thuốc giả, phân bón kém chất lượng cũng như việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh nền nông nghiệp chất lượng mà đất nước đang cố gắng triển khai thời gian qua.
Từ đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần có sự đồng bộ giữa các ngành trong việc kiểm soát các loại hóa chất độc hại trên thị trường; tăng cường chế tài đối với các vi phạm, bao gồm việc kinh doanh phân bón giả. Đồng thời, cần thí điểm việc truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc nông sản; ban hành chế tài bảo đảm thực thi trách nhiệm cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật...
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có chương trình chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi; coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
"Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy"
Giải trình ý kiến của đại biểu về vấn đề giữ rừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, còn rừng trồng là 4,3 triệu ha.
“Tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, trong khi thế giới là 29% - đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 400.000ha trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng thủy sản, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long. Các cấp lãnh đạo cũng tập trung chỉ đạo liên tiếp với các chính sách chuyển đổi để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, mưa bão ngày một nghiêm trọng hơn.
Bộ trưởng khẳng định, vì sớm dự báo những tác động lớn của biến đổi khí hậu nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua. Để khắc phục, một mặt tái cơ cấu để thích ứng, căn cứ vào nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất, cố gắng tái cơ cấu lại. Một mặt cùng với kinh nghiệm của dân gian. "Chúng ta sẽ cố gắng làm sao đúng theo phương châm: Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy", Bộ trưởng ví von.
Trả lời đại biểu về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật và phân bón giả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN khẳng định, nền nông nghiệp của nước ta đang vận hành theo hướng tạo ra sản phẩm sạch.
“Tính từ năm 2016, nền nông nghiệp của chúng ta cần khoảng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu là phân vô cơ. Sau khi tiến hành giám sát cho thấy, chúng ta đã tăng tỉ lệ phân hữu cơ lên gần 4 triệu tấn. Đây là xu hướng rất tích cực... Hiện chúng ta cũng có tới 243 nghìn ha canh tác ở 45 tỉnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019, chúng ta xuất khẩu 35 triệu USD nông sản hữu cơ. Đây là quyết tâm rất lớn”, Bộ trưởng Cường cho biết.
Về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, những năm trước đây, chúng ta nhập 120.000 tấn thuốc hóa học mỗi năm. Đến năm 2019, chỉ còn nhập 75.000 tấn, trong đó 20% là thuốc sinh học. Người đứng đầu ngành NN&PTNT cho rằng, đây là quyết tâm chung của chúng ta trong việc giảm danh mục và số thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, vẫn còn nhiều hạn chế trong các lĩnh vực này, cần tiếp tục hoàn chỉnh thể chế, chế tài để cố gắng vận hành một nền nông nghiệp bền vững, sạch, dinh dưỡng cao, tăng cường xuất khẩu...
Bảo vệ môi trường phải bắt đầu bằng tư duy
Sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã tranh luận rằng rừng vẫn bị đe dọa bởi các dự án khởi công và cũng bởi tư duy “khoe” đồ gỗ của nhiều người.
Do đó, đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh, bảo vệ môi trường phải bắt đầu bằng tư duy. Mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Theo đại biểu, với cách giáo dục như hiện nay việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh, bão lũ chắc chắn sẽ còn xảy ra hằng năm bởi đây là quy luật của thiên nhiên song chúng ta không thể "dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả bão lụt từ năm nay qua năm khác"; chúng ta cần chiến lược lâu dài giảm hậu quả nặng nề của bão, lụt. Theo đại biểu, chiến lược đó phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia với sự đóng góp của chuyên gia nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế xây các đập thủy điện mới hoặc vận hành các đập thủy điện đã có. Đến những vấn đề cụ thể như cập nhật bản đồ sạt lở ở các địa phương, xây nhà chống lũ; đầu tư hệ thống cảnh bão lũ sớm, trang thiết bị cứu hộ, xây khu tập trung người dân khi có bão lũ...
"Có vậy thì người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế và lực lượng quân đội, công an mới tránh được tổn thất, hy sinh vô cùng đau xót", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.