Cần chiến lược phát triển cho tương lai
Thi đấu ấn tượng và giành 17 HCV tại SEA Games 31 nhưng bộ môn vật đứng trước những thách thức, khó khăn ở các đấu trường lớn hơn trong khu vực châu lục cũng như Olympic.
Xu hướng nhập tịch VĐV
Tại SEA Games 31, bộ môn vật được tổ chức 3 nội dung: Vật cổ điển nam, Vật tự do nữ, Vật tự do nam. Kết thúc môn thi đấu, các đội tuyển vật của Việt Nam giành 17 HCV trên tổng số 18 nội dung thi đấu để xếp thứ nhất toàn đoàn. Đây là thành tích ấn tượng của các đô vật khi chỉ đứng sau bộ môn điền kinh (giành 22 HCV) để giúp đoàn thể thao Việt Nam cán đích ở vị trí nhất toàn đoàn tại kỳ Đại hội diễn ra trên sân nhà.
Để có thể giành được thành tích tại SEA Games 31, đầu tiên phải ghi nhận những sự cố gắng của cả các HLV và VĐV trong suốt quá trình chuẩn bị, đứng trước vô vàn khó khăn khi trong khoảng 2 năm không được thi đấu quốc tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thành tích của bộ môn vật là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến may mắn. Cụ thể, ở SEA Games 31 các nước mạnh như Indonesia, Thái Lan không có sự góp mặt của các đô vật mạnh, điều này giúp các đô vật của Việt Nam “dễ thở” hơn trước các đối thủ khi cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt, thời gian qua bộ môn vật tại Thái Lan đang không được đầu tư mạnh, thay vào đó Campuchia đang cho thấy những tín hiệu phát triển mạnh mẽ khi giành 1 HCV, 1 HCB.
Là người dẫn dắt các học trò thi đấu tại SEA Games 31 ở nội dung vật tự do nam trực tiếp đối đầu với các đối thủ đến từ Campuchia, HLV Phạm Đức Khang khẳng định, các đô vật nhập tịch của Campuchia dù không quá xuất sắc nhưng với sự đầu tư trong thời gian qua đã đủ sức tranh chấp HCV với các VĐV của nước khác tại đấu trường SEA Games.
Phụ trách bộ môn vật - Tổng cục TDTT Tạ Đình Đức cho rằng, tại Đông Nam Á hiện nay bắt đầu có xu hướng nhập tịch các VĐV để hướng đến sự phát triển trong nước khi thi đấu trong khu vực.
“Ở sân chơi SEA Games, các đô vật Việt Nam vẫn đủ sức tranh chấp HCV ở tất cả các nội dung thi đấu. Xu hướng xuất hiện VĐV nhập tịch tại các cuộc đấu môn vật ở SEA Games 31 là không thể đảo ngược. Chúng ta phải chấp nhận điều này và tìm cách thích ứng để duy trì vị thế” – ông Tạ Đình Đức cho biết.
Hướng đi nào trong tương lai?
Dù giành được thành tích cao tại SEA Games 31, nhưng để có hướng đi và sự phát triển cho tương lai ở ASIAD và Olympic đang là bài toán khó đối với bộ môn vật của Việt Nam. Đặc biệt, để có thể tranh chấp huy chương ở ASIAD hay có vé dự Olympic sẽ rất khó khăn nếu như bộ môn vật không có sự định hướng rõ trong thời gian tới. Trong đó, việc tăng cường hợp tác với các nước có sự phát triển về bộ môn vật trong châu lục cũng như thế giới là phương án trước mặt và thiết thực để giúp các VĐV Việt Nam có địa điểm tập huấn, trao đổi chất lượng.
Theo người phụ trách bộ môn vật - Tổng cục TDTT Tạ Đình Đức, trong thời gian qua Việt Nam có cơ hội phát triển về chuyên môn cho đội tuyển vật Việt Nam khi có lời yêu cầu được tập huấn tại nước nhà.
“Trước đây, Hà Nội từng đón một số đội tuyển vật từ Indonesia đến tập huấn. Hiện tại, cơ sở vật chất, trình độ của nhiều đô vật Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu tập huấn của các đoàn nước ngoài nên cần xem đây là cách làm thường xuyên, liên tục” – ông Tạ Đình Đức cho biết.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam Đới Đăng Hỷ cho rằng, để bộ môn vật phát triển tại Việt Nam vẫn phải có sự căn cơ, bài bản trong khâu đào tạo VĐV ở các tỉnh/TP, ngành để phát triển môn vật.
“Để có được thành tích cao lâu dài, chúng ta cần những luồng sinh khí mới đến từ các VĐV trẻ, trong đóđặc biệt là VĐV nữ ở các hạng cân nhẹ được đầu tư trọg điểm để hướng đến mục tiêu chinh phục tấm huy chương ASIAD. Liên đoàn Vật Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy vai trò để huy động nguồn lực đầu tư cũng như sự hỗ trợ từ Liên đoàn Vật châu Á cũng như thế giới” – ông Đới Đăng Hỷ nhận định.
Đấu vật là một môn thể thao lâu đời đã xuất hiện ở Olympic cổ đại. Từ năm 1896, khi Olympic hiện đại được tổ chức lần đầu tiên, bộ môn vật đã là một trong số các môn thi đấu. Duy nhất vào Olympic 1900, bộ môn vật không được tổ chức, còn lại liên tục xuất hiện trong danh sách các môn tranh chấp huy chương ở 26 kỳ thế vận hội sau đó. Đến năm Olympic 2004, môn vật đã có thêm các nội dung thi đấu dành cho nữ.
Tại Olympic okyo 2021, bộ vật được cho rằng là môn thể thao không phù hợp với người hâm mộ thể thao ở mọi thế hệ nhưng Chủ tịch Liên đoàn vật quốc tế (FILA) Nenad Lalovic đã kịp thời đưa ra thay đổi phù hợp về quy tắc thi đấu để môn vật gần gũi với khán giả và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đưa môn vật trở lại với chương trình thi đấu Olympic.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-chien-luoc-phat-trien-cho-tuong-lai.html